Hà Nội: Nỗ lực giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp cho công nhân lao động

Tại Hà Nội, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh và ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực lao động, việc làm.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động, mà cả doanh nghiệp nhỏ, các nhà hàng, khách sạn... đều sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, là nguyên nhân dẫn tới lao động ngày càng khó khăn.

Chú thích ảnh
Trao đổi thông tin về việc làm. Ảnh minh họa: XM

Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, khoanh vùng nhỏ gọn, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực, tiêu dùng và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động.

Song hành đẩy mạnh sản xuất, Hà Nội đã có nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, nên ở lĩnh vực này có tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng thuyên giảm. Trong tháng 5 vừa qua, thành phố tổ chức thành công 20 phiên giao dịch việc làm với 558 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia và gần 4,4 nghìn lượt lao động được phỏng vấn, kết quả có gần 1,5 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch.

Trong 5 tháng đầu năm năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26,2 nghìn lao động. UBND thành phố Hà Nội ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 21,7 nghìn người (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước), số tiền trợ cấp là 600 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 993 người với số tiền là 2,9 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng, kỹ năng và ngày càng có nhiều đội ngũ thành thạo tay nghề, sản xuất hiệu quả, thành phố cũng chú trọng vào lĩnh vực đào tạo, hướng nghiệp nghề cho học sinh, sinh viên. Hiện nay thành phố đã xây dựng được 370 cơ sở hoạt động và giáo dục nghề nghiệp; trong đó, 67 trường cao đẳng, 82 trường trung cấp, 75 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 146 doanh nghiệp, loại hình khác. Trong những tháng đầu năm 2021, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh được 26,7 nghìn lượt người, đạt 12,1% kế hoạch tuyển sinh năm 2021, bằng 93,5% cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc, thăm hỏi, các đối tượng chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng... Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc người có công, cơ sở cai nghiện ma tuý, cơ sở giáo dục dạy nghề, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường tầm soát dịch COVID-19 trong công nhân lao động
TP Hồ Chí Minh: Tăng cường tầm soát dịch COVID-19 trong công nhân lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID 19, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch cho gần 280.000 công nhân và hơn 2.200 chuyên gia người nước ngoài đang làm việc trong 1.500 doanh nghiệp ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và 45.000 công nhân ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN