PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp mà Hà Nội cần chú trọng thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường Quang Trung, quận Hà Đông. Ảnh: SYT. |
Theo điều tra của báo Tin Tức và phản ánh của nhiều người dân trên mạng xã hội, công tác phun thuốc diệt muỗi và diệt bọ gậy tại nhiều xã phường của Hà Nội thực hiện chưa triệt để. Đặc biệt, một số nơi chỉ phun hóa chất tầng một, người dân biếu tiền mới được phun toàn bộ ổ dịch… Bộ Y tế có biết thực trạng này không và đã có khuyến nghị gì đối với Hà Nội, thưa ông?
Vừa qua, Thành ủy và UBND Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, đã có nhiều cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của các đồng chí Bí Thư, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND… Rồi các quận, huyện cũng tổ chức họp triển khai phòng chống dịch. Tôi đi kiểm tra thì hệ thống chính quyền cấp phường, xã nhiều nơi cũng đã vào cuộc.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thành lập các Đội xung kích diệt bọ gậy, tổ chức phun hóa chất diện rộng với nhiều hình thức phun khác nhau. Đến thời điểm này, số mắc tại Hà Nội đã giảm xuống, chứng tỏ hoạt động phòng chống nêu trên có hiệu quả.
Tuy vậy, Hà Nội có địa bàn rộng, phức tạp, đông dân, môi trường còn nhiều hạn chế, không phải người dân, tổ dân phố ở tất cả các địa bàn xã phường đều đã ý thức đầy đủ và thực hiện hết tất cả chỉ đạo của cấp trên.
Đơn cử, có Đội xung kích hoạt động rất tốt nhưng cũng có đội khi giao nhiệm vụ đi hướng dẫn, vận động người dân diệt loăng quăng bọ gậy thì chỉ đi tầng 1, không hết các tầng; có đội thì thành viên là người cao tuổi không thể trèo được lên cao, trong khi trên sân thượng mới là nơi thường trồng cây cảnh, dễ có ổ bọ gậy gây bệnh.
Với công tác phun hóa chất, trong giai đoạn đầu vụ dịch sốt xuất huyết, nhiều người phun hóa chất là thuê theo kiểu hợp đồng thời vụ nên không nắm bắt được kỹ thuật dù đã được tập huấn. Ngoài ra, do trách nhiệm không thật cao nên nhiều khi họ chỉ phun tầng 1 không phun từ tầng 2 trở đi; hoặc vì sức khỏe không đảm bảo, phải vác máy rất nặng nên một số người không lên tầng 3 - 5...
Trước đây, dù là bác sĩ nhưng khi cùng đi với kíp phun hóa chất, bản thân tôi phải đi đóng hết cửa sổ, chỉ để một cửa ra vào để phun hóa chất. Sau đó, lại đóng cửa rồi mới đi ra để đảm bảo phun đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, tại Hà Nội, đúng là có nơi, có lúc không phải người đi giám sát nào cũng thực hiện được như vậy.
Bộ Y tế đều đã nắm được tình hình trên và đã có những khuyến nghị với Hà Nội. Chúng tôi yêu cầu thay ngay những thành viên nhiều tuổi, không đủ sức khỏe trong Tổ giám sát, chấn chỉnh hoạt động phun hóa chất, cố gắng duy trì lực lượng phun ổn định để đảm bảo đủ kinh nghiệm, nghiêm túc, tránh làm lấy lệ...
Ghi nhận là vừa qua, Hà Nội đã có những thay đổi như: Công tác giám sát được đẩy mạnh hơn, ngoài Đội giám sát thường xuyên nhắc nhở Đội xung kích thì tại các bàn nóng còn có sự giám sát của các học sinh, sinh viên (do Bộ Y tế hỗ trợ) nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai sót của Đội xung kích.
Hà Nội cũng đã tăng cường giám sát việc phun hóa chất hơn, lực lượng phun hóa chất có cả sự tham qua của quân đội. Nhưng với khối lượng công việc quá lớn, địa bàn rộng thì việc đảm bảo 100% xã, phường thực hiện đúng chỉ đạo không hề đơn giản. Do đó, chúng tôi vẫn khuyến cáo, nếu Hà Nội không tiếp tục quyết liệt, thực hiện việc phun hóa chất và diệt bọ gậy triệt để, đồng thời thường xuyên giám sát khắc phục vướng mắc thì tình hình sẽ rất khó khăn.
Riêng về việc người dân bồi dưỡng mới được phun hóa chất triệt để, Bộ Y tế cũng đã nhận được phản ánh và đã yêu cầu Hà Nội điều tra làm rõ. Chúng tôi đã chỉ đạo nếu có sai phạm thì cần xử lý nghiêm theo quy định.
Những đồ dùng phế liệu, phế thải tại hộ gia đình chứa nước tiềm ẩn nguy cơ có bọ gậy. Ảnh: SYT |
T
heo thống kê của Hà Nội, có đến 46,3% bọ gậy gây bệnh tập trung ở trong các bể trên 500 lít. Theo ông, Việt Nam nên bổ sung thêm “vũ khí” chống dịch, tức là thay đổi 25/2011/TT-BYT ban hành danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế…, để cho phép sử dụng một số hóa chất diệt bọ gậy trong nước uống, nước sinh hoạt như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không?
Việt Nam đã quy định sử dụng hóa chất trong dụng cụ chứa nước nhưng không dùng trong ăn uống, đặc biệt chú trọng sử dụng ở những khu vực khó xử lý như: Bể nước đọng trong công trường xây dựng, lọ hoa, cây cảnh có nước…
Thực ra, cũng đã có lúc Việt Nam “tính” đến chuyện sử dụng hóa chất diệt bọ gậy gây bệnh trong nước uống, sinh hoạt như khuyến cáo của WHO. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ càng trên cơ sở đồng thuận của nhiều chuyên gia đầu ngành.
Để xử lý các ổ bọ gậy, ấu trùng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như nêu trên, chúng tôi yêu cầu các Đội xung kích cần hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, nếu có bọ gậy thì tháo bỏ sạch nước và đậy kín nắp. Khi đậy kín thì muỗi nở ra không bay ra và muỗi bên ngoài cũng không bay vào được. Đây cũng là một vấn đề mà Hà Nội cần đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện tốt vì nếu không muỗi sẽ bay rộng sang các nhà hàng xóm rồi truyền bệnh cho cộng đồng.
Vấn đề là như ông nói, năng lực của Đội xung kích còn hạn chế, có thành viên còn không lên quá tầng 1, thì làm sao phát hiện và xử lý những bể nước trên 500 lít chứa bọ gậy gây bệnh? Có biện pháp nào để tránh được tình trạng Đội xung kích chỉ “đánh trống ghi tên” không, thưa ông?
Để tránh tình trạng đội viên xung kích “đánh trống ghi tên” không có cách nào khác là Hà Nội phải chỉ đạo, giám sát và xử lý sai phạm quyết liệt hơn, xã/phường nào, tổ dân phố nào còn để xảy ra sai sót, xuất hiện nhiều ca bệnh thì chỗ đó phải bị xử lý nghiêm đúng quy định.
Chúng tôi đã kiến nghị Sở Y tế phải có đoàn đi giám sát để chấn chỉnh những đội viên Đội xung kích không có kinh nghiệm hoặc không có trách nhiệm, hoạt động không hiệu quả.
Phân bố bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội theo tuần mắc đến 10/9/2017.
|
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội còn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh hơn không? Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ gì cho Hà Nội nhằm sớm khống chế dịch bệnh này, thưa ông?
Theo tôi, nguy cơ bùng phát mạnh hơn là có, vì mọi năm từ tháng 9 trở đi mới là thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Hiện tại, dịch sốt xuất huyết chững lại đã là một thành công bước đầu nhưng nếu Hà Nội không quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn do vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay luôn hình thành những ổ bọ gậy gây bệnh mới. Hơn nữa, hiện tại trong cộng đồng vẫn còn nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, thậm chí các bệnh nhân từ tình khác vẫn luôn giao lưu về Hà Nội…
Chính vì vậy, Hà Nội cần làm tốt công tác giám sát, kịp thời khắc phục vướng mắc trên tinh thần quyết liệt, triệt để và thường xuyên. Đặc biệt, cần huy động được cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng cùng tham gia chống dịch, tăng cường phối hợp liên ngành, nhất là những ngành quan trọng như Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và môi trường…
Lưu ý, Hà Nội cần chú trọng việc phát hiện ổ dịch để xử lý triệt để ngay nhằm phun hóa chất đúng kỹ thuật và xử lý hoàn toàn bọ gậy… Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động thay đổi hành vi, cùng tham gia công tác phòng chống dịch, tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Về phía Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục “dồn lực” cùng Hà Nội khống chế dịch sốt xuất huyết. Ngoài việc theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để có những chỉ đạo kịp thời, Bộ sẽ cử đoàn chuyên gia về khám chữa bệnh gồm các giáo sư, bác sĩ đầu ngành công tác tại các bệnh viện tuyến trung ương về hỗ trợ các bệnh viện Hà Nội để tư vấn công tác điều trị. Đồng thời, một đoàn chuyên gia về côn trùng, dịch tễ khác cũng sẽ giúp Hà Nội trong công tác giám sát véc tơ, xử lý ổ dịch, chủ động phòng chống dịch bệnh trước những nguy cơ tiềm ẩn…
Xin cảm ơn ông!