Hà Nội mở rộng hạ tầng giao thông để chống ùn tắc

Việc rà soát, sắp xếp lại điểm đỗ xe, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông tại các nút trọng điểm... đã góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô nhưng những giải pháp này vẫn chưa thật sự bền vững. Do đó, Hà Nội sẽ tăng tốc thực hiện các dự án mở rộng hạ tầng giao thông.


Xây dựng nhiều tuyến đường vành đai


Dự án nâng cấp, mở rộng đường vành đai 2, đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, có điểm đầu tuyến giao với phố Vương Thừa Vũ, điểm cuối tuyến giao với đường Giải Phóng, với tổng mức đầu tư khoảng 2.560 tỷ đồng vừa được Hà Nội khởi công trung tuần tháng 10/2013. Dự án này mở đầu cho kế hoạch tăng tốc thực hiện các dự án mở rộng hạ tầng giao thông của Hà Nội để chống ùn tắc một cách bền vững. Sau khi hoàn thành dự án sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Trường Chinh.

 

Đường Trường Chinh liên tục tắc nghẽn do lượng phương tiện giao thông quá lớn. CTV


Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo cho biết: Để xây dựng dự án đường vành đai 2, chủ đầu tư phải thu hồi đất của 35 cơ quan và 608 hộ dân, với diện tích 117.000 m2, kinh phí riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng là 2.000/2.560 tỷ đồng. Theo kế hoạch, quận Thanh Xuân sẽ cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2013; còn quận Đống Đa hoàn thành vào tháng 6/2014. Sau khởi công, nhà thầu thi công sẽ triển khai thi công 2/4 gói thầu xây lắp chính, gồm gói thầu 1 hoàn thiện đoạn đường từ nút giao Tôn Thất Tùng đến cầu sông Lừ và gói thầu 4 xây cầu qua sông Lừ. Gói thầu 2 xây dựng đoạn Ngã Tư Vọng - sông Lừ và gói thầu 3 đoạn Tôn Thất Tùng - Vương Thừa Vũ sẽ được triển khai vào quý I/2014.


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, việc xây dựng các tuyến đường vành đai hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết để giải quyết ùn tắc. Hà Nội đang tập trung đầu tư ba tuyến đường vành đai 1, 2, 3, trong đó năm 2012 đã đưa vào sử dụng hiệu quả tuyến đường vành đai 3 đi qua trung tâm thành phố và đường vành đai 3 trên cao. Việc tập trung thi công đường vành đai 2 để sớm đưa vào vận hành sẽ giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô. Tiếp theo dự án đường vành đai 2 đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai dự án đường trên cao nằm trên đoạn tuyến này với điểm đầu là cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối là Ngã Tư Sở, giảm bớt áp lực giao thông tại khu vực này.


Thực hiện nhiều giải pháp đột phá


Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố đã tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp như: Phân làn phương tiện; điều tiết hoạt động của các phương tiện ra vào một số tuyến phố trong một số giờ nhất định; sắp xếp lại các tuyến xe liên tỉnh; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; cải tạo hạ tầng, lắp đặt đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông tại một số nút quan trọng; đưa vào khai thác 7 cầu vượt bằng kết cấu thép tải trọng nhẹ... Nhờ vậy, số điểm giao thông thường xuyên ùn tắc cục bộ đã giảm xuống còn 67 điểm, so với 124 điểm của năm 2008, hạn chế được số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, tai nạn giao thông hàng năm đều giảm 10% về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).


Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, để tiếp tục ngăn chặn tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố phải triển khai những giải pháp đột phá, trong đó chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Theo đó, Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng, đưa vào hoạt động các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, nghiên cứu triển khai vành đai 4 và tập trung xây dựng các cầu vượt sông, cầu vượt nhẹ kết cấu thép... Thực tế, một trong số các giải pháp đột phá mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông gần đây của Hà Nội là đưa 7 cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép vào sử dụng. Nhờ đó, tuy mật độ giao thông cao gấp từ 4 - 6 lần so với trước đây, nhưng tình trạng ùn tắc đã được giải quyết.


Để chống ùn tắc trong đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở GTVT và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành các công trình giao thông theo đúng dự kiến như: Dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự kiến thông xe trong tháng 12/2013; đường vành đai 1, đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, thông xe trong năm 2014; đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, hoàn thành trong quý I/ 2015. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng; đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và trong năm 2014 sẽ thi công dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cải tạo, nâng cấp cầu Dịch Vọng bắc qua sông Tô Lịch...



Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN