Hà Nội “mạnh tay” xử lý quảng cáo băng rôn vi phạm

Không nương nhẹ với tình trạng vi phạm quảng cáo băng rôn trên các đường phố Thủ đô, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh nhằm cảnh báo các tổ chức, cá nhân treo quảng cáo tùy tiện trên các tuyến phố, công trình, cột điện...


* Nhiều kiểu vi phạm

Với mỗi chương trình an sinh xã hội cần tuyên tuyền, quảng bá, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thường cấp phép treo từ 200 – 300 băng rôn. Đối với các chương trình triển lãm, du học, khai trương, khánh thành, biểu diễn nghệ thuật, mỗi lần được cấp phép chỉ từ 20 – 40 băng rôn, tùy theo tình hình cụ thể thời điểm đó. 

Quy định là vậy nhưng nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo phớt lờ, tùy tiện treo quảng cáo với số lượng lớn. Trình trạng này xảy ra chủ yếu ở các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, từ 20 băng rôn được phép, họ có thể treo lên hàng trăm băng rôn. Đáng nói, nhiều chương trình nghệ thuật không xin phép Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhưng tự ý treo băng rôn khắp nơi. 

Chương trình có nghệ sĩ tên tuổi đều được các “bầu sô” phóng to chân dung để “câu” khách. Mà điều này, theo ông Thái Hồng Sơn, Phòng Quản lý Văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các đơn vị không được phép thực hiện. Nếu được phép quảng cáo chân dung nhân vật thì chỉ được in 25% ở góc quảng cáo.

Cũng vì quyền lợi của mình, các đơn vị quảng cáo tự ý in nhiều băng rôn nên việc treo băng rôn cũng không đúng vị trí quy định. Từ gốc cây, cột đèn tín hiệu đều được tận dụng để treo, ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị và giao thông đường phố.

Để đối phó với các cơ quan quản lý, đơn vị quảng cáo dùng nhiều hình thức tinh vi, thuê cả người bán nước, lao động tự do, xe ôm đi treo băng rôn và thời điểm treo thường vào ban đêm, ngày nghỉ, khi lực lượng chức năng vắng bóng. Các đối tượng này thường thao tác rất nhanh khi treo nhưng lại treo rất cao và rất chắc để lực lượng chức năng khó tháo dỡ khi xử lý. 

Đặc biệt, trong các tuyến phố tại nội thành Hà Nội như: Khu vực nhà hát Lớn, phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Kim Mã, Nguyễn Thái Học… người qua lại đông đúc, được các đơn vị quảng cáo tận dụng treo băng rôn tràn lan. Ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể bắt gặp hàng chục băng rôn khác nhau với các chương trình nghệ thuật chồng chéo nhau trên khắp đường phố Hà Nội.

* Mạnh tay với các vi phạm

Nhiều năm qua, ngành văn hóa Hà Nội “đau đầu” với tình trạng vi phạm treo băng rôn quảng cáo. Ban ngày, lực lượng chức năng đi tháo dỡ băng rôn quảng cáo thì ban đêm các đối tượng lại treo lên thách thức. Thậm chí, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn từ chối nhận hồ sơ xin phép quảng cáo của những đơn vị đã vi phạm nhiều lần, hoặc thông báo số điện thoại được in trên băng rôn vi phạm để Sở Thông tin và Truyền thông cắt thuê bao. Nhưng hình thức xử lý đó vẫn không ngăn chặn được tình trạng vi phạm băng rôn quảng cáo. 

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội “mạnh tay” bằng cách phun chữ “quảng cáo vi phạm” trên các băng rôn đó để cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời thông báo cho quận, huyện, phường, xã sở tại biết để phối hợp, tháo dỡ.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng việc phun chữ “quảng cáo vi phạm” lên cũng có những ý kiến cho rằng ảnh hưởng đến chương trình nghệ thuật, ảnh hưởng đến các nghệ sĩ. Trước hết, phải khẳng định đây là việc quảng cáo vi phạm, nghệ sĩ không có tội mà chương trình nghệ thuật cũng không có lỗi. Nhưng ngành cũng nhắc nhở, các chương trình nghệ thuật và nhất là các nghệ sĩ phải thực hiện theo đúng quy định. Các nghệ sĩ khi thực hiện hợp đồng với “bầu sô” nên có yêu cầu quảng cáo ở những nơi mà cơ quan nhà nước cho phép, ở những nơi tôn vinh chương trình và nghệ sĩ.

Ông Tô Văn Động cũng cho rằng, chương trình nghiêm túc, những người làm chương trình nghiêm túc thì quảng cáo cũng phải thực hiện nghiêm túc . Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục có nhiều hình thức khác như công khai những đơn vị tổ chức vi phạm quảng cáo lên Cổng thông tin điện tử của thành phố, website của sở . Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm, xét thấy đủ điều kiện, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ chuyển sang cơ quan công an để xem xét xử lý. “Bởi đây cũng có thể coi rằng đó là những trường hợp cố tình chống lại người thi hành công vụ” – ông Tô Văn Động khẳng định.

Trong ngày 23/11, đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hàng trăm băng rôn vi phạm bằng cách tháo dỡ hoặc phun chữ “quảng cáo vi phạm”. Đó là băng rôn quảng cáo đêm nhạc Phú Quang với tên gọi “Những nẻo đường anh đã đi qua”, băng rôn giới thiệu gala “Tết vạn lộc - Cười để yêu thương”, băng rôn đêm nhạc “Ngô Thụy Miên- Riêng một góc trời”, “Trọng Tấn - Bài ca không quên”. Đây là những băng rôn treo ở nhiều vị trí không được cấp phép hoặc chưa xin phép quảng cáo tại khu vực Nhà hát Lớn, đường Hai Bà Trưng, phố Nguyễn Thượng Hiền, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch…

Để việc xử lý vi phạm băng rôn quảng cáo đạt hiệu quả cao, công tác phối hợp giữa ngành văn hóa với các ban, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương cần được chú trọng. Bởi nếu chỉ riêng ngành văn hóa thực hiện thì sẽ gặp không ít khó khăn và không thể triệt để.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Dịch cúm gia cầm vẫn nóng, người Hà Nội thờ ơ
Dịch cúm gia cầm vẫn nóng, người Hà Nội thờ ơ

Mặc dù nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm đã và đang được cảnh báo, nhưng khảo sát của phóng viên Tin Tức ngày 27/11, tại các chợ buôn bán gia cầm trên địa bàn Hà Nội, tiểu thương và người tiêu dùng vẫn rất thờ ơ với việc phòng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN