Hội nghị thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, sản xuất hàng tiêu dùng, vườn ươm, khởi nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, dịch vụ... trên địa bàn Hà Nội và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, triển khai các giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hội nghị "Kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020" là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ,. Với dân số 10,3 triệu người dân đang sinh sống, học tập làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu, có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bền vững và bình ổn thị trường.
“Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID 19 đã khiến thương mại hàng hóa thế giới nói chung và thương mại hàng hóa của Việt Nam và Hà Nội nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện tổ chức các buổi hội nghị, xúc tiến quảng bá để đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ hàng hóa, kích cầu du lịch nội địa”, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Cục phối hợp với các địa phương triển khai ngay các hoat động xúc tiến thương mại trong bối cảnh gián đoạn các thị trường xuất khẩu do dịch COVID- 19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới trong khi ở Việt Nam đã được kiểm soát nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai tác tối đa thị trường nội địa, trước mắt là hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nông sản khắc phục khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Về lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trước các đối thủ quốc tế vẫn luôn coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng. Song song với mục tiêu hỗ trợ kết nối tiêu thụ thị trường nội địa, hội nghị cũng cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu cụ thể hóa, tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thị trường xuất khẩu bị cắt giảm, những đơn hàng cũ, đơn hàng mới đều bị chấm dứt, thị trường nội địa cũng bị sụt giảm hơn 90%. Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Để thúc đẩy các hoạt động về thương mại nội khối, xúc tiến các hoạt động và kêu gọi đầu tư mới đầu tư vào Việt Nam thì việc tổ chức kết nối các hoạt động giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho cho các doanh nghiệp từ quý I/2020 là việc cần thiết.
Theo ông Mạc Quốc Anh, để vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, thì bản thân các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam phải có sản phẩm tốt có giá cả cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… Để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ và đồng hành để các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.