Nhiều trạm thu phí ở cửa ngõ ra vào Hà Nội như: Như Quỳnh giáp Hưng Yên, Cầu Giẽ giáp Hà Nam, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Bắc Thăng Long-Nội Bài trong nội đô… không chỉ “đến hẹn lại lên” trở thành những“điểm đen” về ùn tắc giao thông mỗi khi đến dịp lễ, Tết, khi cảnh người và phương tiện ken nhau qua trạm, mà đang có dấu hiệu ùn tắc hàng ngày, nhất là vào giờ cao điểm. Nguyên nhân ùn tắc tại các trạm thu phí này, theo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), là do các trạm đều đã quá tải, không đủ làn xe khi lượng xe đông dồn ứ, cộng với đó là không ít lái xe chưa có ý thức khi tham gia giao thông. Thực tế này cần sớm có lời giải.
Khó tránh ùn tắc
Theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), hiện nay, tại các trạm thu phí giao thông ở cửa ngõ ra vào Thủ đô thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm, khoảng 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều, mỗi khi lưu lượng phương tiện đổ dồn quá đông, trong khi mỗi trạm lại chỉ có từ 2-3 làn. Trong số những trạm này, có trạm hiện đã bán thương quyền thu phí, có trạm đã bàn giao cho nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), trạm thì do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội quản lý, nên trong quản lý, vận hành, hoạt động dễ tồn tại bất cập.
Vào giờ cao điểm xe qua trạm thu phí phải nhích từng centimét-Ảnh CTV
|
Có một thực tế, từ lâu, việc xóa bỏ các trạm thu phí có cự ly gần so với trạm kế tiếp, hoạt động không hiệu quả, thường xuyên bị ùn tắc ngay tại các cửa ngõ Thủ đô đã được các cơ quan hữu quan tính đến. Tuy nhiên, việc đề nghị xóa, dừng thu trạm phí lúc được Bộ GTVT đề nghị thì Hà Nội không chấp nhận, lúc Hà Nội đề nghị bỏ thì Bộ lại không chấp nhận. Chính vì sự thiếu thống nhất này khiến các tài xế có thông tin khi qua trạm đều không muốn mua vé, gây gổ với nhân viên, có khi còn cho xe đứng ỳ ra đó khiến các xe khác không thể qua trạm. Đặc biệt, việc trốn vé, lách làn đã trở thành chuyện thường ngày của xe khách, buộc các trạm phải có biện pháp dừng xe yêu cầu mua vé. Và hệ quả tất yếu là ùn tắc xảy ra chưa có cách nào tháo gỡ. Một số trạm thu phí như trạm Nam Cầu Giẽ, sau khi bán thương quyền cho đơn vị kinh doanh khác, nhưng vẫn thu phí hai dừng, nên việc xếp hàng mua vé cũng lâu hơn các trạm thu phí khác, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Nhiều trạm thu phí trước đây tổ chức thu phí hai dừng: Người bán vé ngồi trong cabin, khi lái xe muốn mua vé phải chuyển làn vào mua vé rồi lại chuyển làn qua cửa soát vé. Hình thức thu phí này đã gây ra cảnh ùn tắc nghiêm trọng, nên các trạm đã thay đổi phương án tình thế là đặt cabin bán vé vào giữa làn thu phí nhưng cũng không giải quyết được tình trạng ùn tắc. Hiện nay, đa số các trạm thu phí đều áp dụng phương thức một dừng, để mua vé và trên vé có mã vạch giúp giảm thời gian thu phí, nhưng vào thời gian cao điểm vẫn chưa giải quyết được triệt để ùn tắc do số làn thu phí quá ít.
Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT yêu cầu các trạm thu phí phải có trách nhiệm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mọi trường hợp, nếu có sự cố kỹ thuật hoặc các nguyên nhân khác mà trạm thu phí phải ngừng hoạt động thì nên có biện pháp bảo đảm không xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm, đồng thời báo cáo ngay lên cơ quan trực tiếp quản lý để có biện pháp khắc phục, đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Quy định đã có và khá rõ ràng, nhưng cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những lái xe gây ách tắc qua trạm thu phí để răn đe kịp thời và đúng mức thì mới có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí. Bộ GTVT cũng đã từng có công văn đề nghị đóng cửa các trạm thu phí nào gây ùn tắc giao thông 2 lần/tháng, nhưng xem ra văn bản này khó khả thi.
Lập quỹ bảo trì đường bộ để thay trạm thu phí?
Cả nước hiện có 62 trạm thu phí giao thông đường bộ, trong đó có 45 trạm nằm trong quy hoạch hệ thống trạm thu phí, 17 trạm được phê duyệt theo các dự án BOT. Về quyền thu phí, có 31 trạm thuộc TCĐBVN. Đến nay, Tổng cục đã bàn giao 12 trạm thu phí đường bộ cho các Công ty BOT và bàn giao 5 trạm cho các nhà đầu tư trúng thầu quyền thu phí đường bộ có thời hạn. Do kênh vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ ở nước ta được huy động từ nhiều nguồn, nên các trạm thu phí được coi là kênh hoàn vốn, tái đầu tư xây dựng tiếp hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, do nhiều bất cập nảy sinh, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, nên nhiều trạm thu phí đã không còn hoạt động hiệu quả, thậm chí còn trở thành những rào cản. Ngoài ra, do không có quy hoạch bài bản về hệ thống trạm thu phí và thiếu cân nhắc trong thẩm định các dự án BOT, nên bài toán hoàn vốn cho doanh nghiệp trở nên “rối rắm”. Bộ GTVT hiện đã chấp thuận về nguyên tắc ngừng thu phí đối với các trạm có khoảng cách thu phí quá ngắn, các trạm thu dưới 10 tỉ đồng/năm, các trạm đã hết thời gian thu hồi vốn, hạ tầng xuống cấp không đảm bảo an toàn giao thông, các trạm trên tuyến đường đang được đầu tư cải tạo... và đã tạm dừng, xóa bỏ 7 trạm thu phí.
Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ và Đề án Quỹ bảo trì đường bộ, nhằm giải quyết cơ bản những bất cập đang nảy sinh, từng bước làm thông thoáng các tuyến quốc lộ. Theo tính toán của đề án, việc thay đổi các phương thức thu phí qua trạm sẽ tiết kiệm được khoảng 15% số phí thu, tiết kiệm thời gian dừng xe, tránh ùn tắc và tiêu cực.
Theo đó, trong thời gian tới, các trạm thu phí do Nhà nước quản lý sẽ từng bước được xem xét xóa bỏ, chỉ còn các trạm thu phí BOT hoạt động, do phải hoàn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng, nhất là giao thông. Phí đường bộ sẽ thu qua giá xăng và thu trực tiếp đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu diesel tính theo tháng. Do đó, các trạm thu theo hình thức BOT sẽ tiếp tục được thu phí để hoàn vốn đầu tư và bảo trì công trình đường bộ cho nhà đầu tư. Trạm thu phí của dự án BOT chỉ được phép đặt trên đường đã được đầu tư bởi dự án BOT. Với các trạm đã được bán quyền thu phí, Nhà nước sẽ thương thảo với nhà thầu đang sở hữu quyền thu phí để dùng nguồn quỹ bảo trì đường bộ mua lại quyền thu phí trên, sau đó sẽ tiến hành xóa bỏ các trạm này. Các trạm thu phí được thành lập theo Văn bản 3170/KTN (ngày 25/6/1997) của Thủ tướng Chính phủ sẽ được rà soát, dùng nguồn quỹ bảo trì đường bộ để thanh toán nợ còn lại, sau đó được xóa bỏ. Thời điểm áp dụng được đề nghị từ ngày 1/1/2012.
Nguyễn Tiến