“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua ảnh của Thông tấn xã

Suốt 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, trong số những người ở lại với Thủ đô, có những phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.

Hà Nội 12 ngày đêm (18/12 - 30/12/1972) chịu trận tổng công kích của đế quốc Mỹ bằng máy bay chiến lược B-52. Dân Hà Nội được tổ chức đi sơ tán xa.

Thành phố chỉ còn lại những người bảo vệ và phục vụ chiến đấu, sinh hoạt. Trong số những người đấy là dân nhiếp ảnh. Họ là phóng viên thông tấn xã, báo chí, quốc doanh nhiếp ảnh và một số nghệ sĩ/tài tử. Một số trong những người này được cấp thẻ hành nghề “trực chiến”.

Thật lạ và cũng thật oai hùng. Bất kể ngày đêm, khi còi thành phố báo động, loa truyền thanh “Đồng bào chú ý, máy bay địch bay cách thành phố 50 km… 30 km…” thì họ cầm máy ảnh chạy ngược lên sân thượng tòa nhà mái bằng, mũ sắt bảo vệ đầu, máy ảnh sẵn sàng và quan sát hướng máy bay địch tới. Đồng thời, từng phóng viên trực chiến khác cũng có mặt bên các ụ pháo cao xạ hoặc bãi tên lửa trọng điểm.

Xác máy bay thứ 2500 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng


Một số phóng viên “xung kích” ngồi tại hầm cơ quan trực điện thoại với Bộ Tư lệnh thành phố. Nghe tin đâu bắn rơi máy bay tại chỗ, dân quân đang lùng sục giặc lái, lập tức, ôtô, xe máy lao đi…

12 giờ đêm 18/12/1972 (trong loạt B-52 đánh bom thủ đô đợt đầu) bị bắn rơi tại Phù Lỗ, ở cách xa cơ quan 20 km, Văn Bảo đã có mặt lúc xác máy bay chưa tàn lửa cháy, chụp đèn flash bằng máy Canon F2. Ai cũng muốn ghi hình tên giặc lái, đại úy Rít Thomat Saisơn do dân quân điệu tới. Anh nhanh chóng tráng phim, phóng ảnh trong đêm. Sáng hôm sau, các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội Mới kịp in trên trang nhất (Chúng ta biết thêm: Văn Bảo cũng là “xạ thủ ảnh” già dặn săn máy bay bị bắn rơi và bắt sống giặc lái Mỹ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh và Hải Phòng). Những ảnh ấy được TTX phát lên mạng đối ngoại, đến với bạn bè năm châu.

Đêm sau, Minh Trường (VNTTX) và Triệu Hùng (báo QĐND) ở hai địa điểm khác nhau trong thành phố, trước sau một tiếng đồng hồ đã thực hiện được phóng sự B-52 trúng tên lửa phụt cháy sáng trên bầu trời đêm đen; rơi xuống tới đất còn cháy tiếp. Mọi người săn bắt giặc lái nhảy dù. Dân quân xã Phương Liệt và Ngã Tư Vọng áp giải tên giặc đang run sợ trước tội ác chúng đã gieo.

Mỗi đêm, mỗi đêm kẻ thù tăng cường độ đánh phá, thì các trận địa phòng không (cao xạ, tên lửa, trạm radar), sở chỉ huy, tổng hành dinh cũng hoạt động và cơ động nhiều hơn. Và phóng viên ảnh “binh chủng thông tin, báo chí” cũng được tăng cường người và phương tiện.

Tự vệ nhà máy xay sát gạo Lương Yên, Hà Nội trực chiến suốt ngày đêm.


Ban ngày, là ảnh trận địa của pháo cao xạ tầm thấp, trận địa tự vệ - dân quân giăng lưới bao vây máy bay phản lực, máy bay phóng pháo gần các trọng điểm cầu đường, nhà ga, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, ngoại giao đoàn,… là cảnh săn bắt giặc lái ở các huyện ngoại thành. Ảnh họp báo trước phóng viên trong ngoài nước, có mặt những tên mới bị bắt sống hoặc cảnh dẫn giải chúng trên đường phố.

Mỗi đêm, khi B-52 xuất hiện, phóng viên ảnh cũng nhộn nhịp tác nghiệp. Trong khi Hà Nội rung chuyển bom nổ dưới đất và đạn pháo gặp mục tiêu nổ trên cao, trời chớp sáng giần giật, phóng viên ảnh vẫn có mặt ở các điểm giặc đánh phá. Vượt qua sông Hồng đến chỗ những quả bom nổ tung, Văn Bảo có mặt trên đường Chèm đi Phúc Yên chụp tên lửa xuất kích. Ngọc Quán, Duy Anh thường trú ngay ở địa bàn Đông Anh. Đoàn Công Tính thành công trong ảnh “hợp đồng binh chủng” ở trận địa Gia Lâm: đạn 14,5 li dân quân tự vệ “dắt dây” lên trời phối hợp một nhịp với vầng sáng cao xạ và tên lửa bay lên bắt mục tiêu trên cao, tất cả nổi bật trên nền đêm đen. Minh Lộc lăn lộn với các chiến sĩ tự vệ sao vuông ở trận địa Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Ngay tại chỗ là sân lễ Ba Đình, đội súng bộ binh nữ Đống Đa đã bắn rơi một con “cánh cụp cánh xòe” F111 Mỹ.

Một chiếc B-52 chưa kịp ném bom đã bị hỏa lực thiêu cháy thành ngọn đuốc sáng rực mặt nước Hồ Tây, xé từng mảnh rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, một cánh máy bay chọc thủng hố xí hai ngăn của cư dân đường Hoàng Hoa Thám (phóng sự của Minh Lộc).

Tạ Sĩ Phong – phóng viên báo Tân Việt Hoa – lội xuống hồ Trúc Bạch, hai tay giơ cao máy ảnh trên đầu chụp ảnh nhân dân đang lội nước bắt sống tên giặc lái hoảng hốt sợ chết đuối.

Qua vài ngày đêm sau, mọi người gặp nhau ở một nhận xét, cũng là một kinh nghiệm chụp: chụp Hà Nội đánh B-52 phải có cái gì đó nói rõ địa bàn Hà Nội. Có nghĩa là chụp máy bay cháy và chờ rơi ở độ thấp để có thể thu được cùng lúc những vật thể cao của thành phố (tháp lầu, cột cờ, mái nhà). Nhưng như vậy, may rủi và dễ mất thời cơ. Ảnh của Minh Trường và Lâm Hồng Long đã đạt được hiệu quả đó: lấy mái ngói lục giác của trường Đại học Tổng hợp làm tiền cảnh cho một máy bay bốc cháy phía sau. Báo Nhân Dân cổ vũ cho tấm ảnh, giật tít Bắt quân thù phải đền tội ngay trên bầu trời Thủ đô!

Vũ Ba, Nguyễn Đình Ưu cũng đã trực chiến cùng các trận địa pháo cao xạ tại chân cầu Long Biên-một trọng điểm cực kỳ nguy hiểm. Duy Đức bốn ngày đêm mai phục ở Quảng Bá hy vọng chụp xác B-52 cháy sáng rực Hồ Tây; anh đã toại nguyện: 22G ngày 27/12 chụp được cảnh ấy. Báo Hà Nội Mới in ảnh này; sau đó báo Bưu điện Berlin in lại vào ngày 1/2/1973. Ảnh Minh Lộc: một cánh B-52 dài trên đường Lê Trực; hai cô tự vệ bơi thuyền trên hồ Ngọc Hà ra chỗ xác B-52. Ảnh Trịnh Hải: xe ủi đất gom xác B-52 trên đường phố và trước Ga Hàng Cỏ, nhà văn Nguyễn Tuân trầm ngâm bên một kiến trúc quen thuộc đổ sụp. Ảnh Đinh Quang Thành: hai cô vác cáng thương chạy vội đi cứu người và anh chiến sĩ dân phòng cõng một bà già ra khỏi đống đổ nát phố Lý Thường Kiệt,…

Một khía cạnh khác của đề tài là chụp tội ác do B-52 Mỹ gây ra cho nhân dân Hà Nội. Thảm cảnh ở khu phố Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai. Khắp một trung tâm dân cư, kinh tế thị trấn Đông Anh và Yên Viên thành bình địa. Khu lao động Phúc Xá bị bốc cháy. Qua những nơi đấy, thấy đức tính xả thân, hữu ái Việt Nam: con người và máy móc cứu người bị chôn vùi, sơ cứu tại chỗ và đưa đi cấp cứu. Những cảnh thương tâm vợ khóc chồng, con cái khóc cha mẹ bị bom chết… đánh động lương tâm loài người.

Cùng đối nghịch với tội ác nhân danh Mỹ là cảnh giải giặc lái trên đường đi họp báo. Người Hà Nội đứng hai bên đường căm hờn, phẫn nộ, nhiều người giơ nắm đấm đòi đánh kẻ gieo tội ác. Ở trại giam “Khách sạn Hilton”, chúng được băng bó vết thương.

Hà Nội anh dũng và đau thương là vậy. Nhưng các nhà nhiếp ảnh bám thành phố vẫn tỉnh táo ghi hình cuộc sống đời thường của Hà Nội, một dân tộc bền gan quyết chí giữ vững Thủ đô yêu quý. Công nhân nhà máy điện, máy nước vẫn đảm bảo sinh hoạt của thành phố. Chợ vẫn nhóm, quầy hoa tươi vẫn có người mua. Quán bia hơi bên cạnh hầm trú ẩn. Khi còi báo động, mọi người ra hầm cá nhân, và hé nắp hầm nhìn dõi theo đường đạn, pháo bắn trả máy bay Mỹ. Nông dân Yên Duyên, Yên Sở vẫn cày bừa bên cạnh các hố bom. Cảnh bà con hàng phố đem quà thăm hỏi bộ đội trực chiến. Một đám cưới bên cạnh trận địa pháo Đống Đa. Và, đêm Noel, các nhà thờ vẫn sáng đèn làm lễ thành kính cho giáo dân và người nước ngoài.

Nguyễn Đức Chính (Trích sách “Văn hóa nhiếp ảnh” của tác giả)
Bác Hồ, Bác Tôn với Thông tấn xã Việt Nam
Bác Hồ, Bác Tôn với Thông tấn xã Việt Nam

Cách đây đúng 60 năm, tròn một lục thập hoa giáp, Tết Ất Mùi năm 1955, VNTTX từ chiến khu trở về Hà Nội, vừa tiếp quản trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt được mấy tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN