Hà Nội: Dân phố cổ bức xúc vì xe dừng đỗ lộn xộn

Tình trạng vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị các loại phương tiện dừng đỗ lộn xộn, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân phố cổ Hà Nội rất bức xúc. Thực tế này lâu nay không được xử lý triệt để, còn bị bỏ ngỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an ninh xã hội tại khu dân cư.


Vỉa hè, lòng đường đều bị chiếm dụng


Các hộ dân ở phố Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan báo chí về việc các xe ô tô dừng đỗ ngang nhiên tại khu phố của mình, chiếm hết phần đường lên xuống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân cư. Trên phố này, xe tải hạng nhẹ nối đuôi nhau dừng, đỗ che khuất toàn bộ mặt tiền của dãy phố, thậm chí nhiều xe dừng đỗ cả ngày đêm, không chỉ cản trở giao thông, mà còn gây mất mỹ quan đô thị.


Vấn đề này đã nhiều lần được đưa ra trong các cuộc họp của tổ dân phố, Công an phường Hàng Buồm cũng đã xác nhận có tình trạng trên, nhưng do các xe tải này đều thuộc quyền sở hữu của một số hộ dân trong khu phố, sử dụng với mục đích vận chuyển hàng hóa, trên phố lại không có biển cấm dừng đỗ xe, nên rất khó xử lý triệt để.


Xe ô tô đỗ ngay trên vạch sơn dành cho người đi bộ trên phố Cầu Gỗ (ảnh chụp lúc 17 giờ 5 phút, ngày 29/11/2012). Ảnh: Lê Phú


Phố Tạ Hiện vốn đã rất nhỏ hẹp nên tình trạng xe máy dừng đỗ chật kín hai bên đường phố khiến cho giao thông ở khu phố này càng gặp nhiều khó khăn. Phố Cầu Gỗ là tuyến phố có hoạt động thương mại do xe máy không được để trên vỉa hè, khách đến mua hàng ở hai bên phố đều đỗ xe dưới lòng đường... cho tiện. Tuy vỉa hè không cho để xe, nhưng người đi bộ cũng không thể đi lại trên vỉa hè mà vẫn phải đi dưới lòng đường vì kẻ mua người bán đã chiếm dụng.


Dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Lược..., các tấm biển "Tuyến phố văn minh đô thị" được đặt khá dày đặc với nội dung: Không để xe đạp, xe máy trên hè phố, lòng đường; Không kinh doanh lấn chiếm hè phố, lòng đường; Không vứt rác, phế thải ra vỉa hè, lòng đường...


Nhưng thực tế diễn ra ở các tuyến phố này thì không giống như vậy. Các chủ phương tiện thường xuyên dừng đỗ, mua bán hàng hóa tại đây. Các loại ô tô, xe máy ngang nhiên dừng đỗ ngay bên cạnh các biển cấm.


Xe máy ngang nhiên dựng hàng ngang ngay dưới lòng đường phố Hàng Ngang (ảnh chụp lúc 17 giờ 15 phút, ngày 29/11/2012).
Ảnh: Lê Phú


Từ tháng 5/2008, thành phố Hà Nội đã thực hiện gắn biển 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên vỉa hè, lòng đường và 62 tuyến phố không được kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, chủ yếu là các tuyến phố cổ. Thế nhưng đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hàng rong vẫn hoành hành, các loại phương tiện dừng đỗ ngang nhiên diễn ra như chưa hề có lệnh cấm nào.


Anh Đức Kiên, ở phố Nguyễn Siêu:


Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nghiêm trọng


Vỉa hè dành cho người đi bộ trong khu phố cổ đang bị lấn chiếm nghiêm trọng bởi các hộ buôn bán kinh doanh. Những bất cập trong công tác quản lý của chính quyền sở tại như xử lý không kiên quyết, phạt chỗ này lại để chỗ khác ung dung hoạt động, lâu dần thành nếp, khiến người dân thiếu ý thức tự giác chấp hành. Tình trạng này nếu không được xử lý dứt điểm sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác.


Phó Trưởng Công an Phường Hàng Buồm,
Trung tá Hà Quyết Thắng:


Kiên trì tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện


Công an phường Hàng Buồm đã nhiều lần tổ chức họp tổ dân phố, tổ chức cho lực lượng dân phòng yêu cầu các chủ phương tiện trên các tuyến phố ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thậm chí xử phạt hành chính chủ xe và tạm giữ phương tiện.


Tuy nhiên, tình trạng vi phạm đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để do một số tuyến phố hiện không có biển cấm dừng đỗ xe. Khắc phục những bất cập này, phường sẽ tiếp tục có biện pháp quyết liệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, kiên trì tuyên truyền vận động để yêu cầu các chủ xe đảm bảo trật tự giao thông; đồng thời kiên quyết áp dụng hình thức xử phạt theo đúng quy định.


Riêng đối với các chủ xe thuộc địa bàn, phường sẽ tạo điều kiện cho các chủ xe được ưu tiên gửi xe tại các bãi xe quanh khu vực với giá rẻ.


Phó Trưởng phòng Xây dựng đô thị (quận Hoàn Kiếm),
bà Lê Quỳnh Anh:


Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc


Khó khăn nhất trong việc đảm bảo trật tự giao thông ở khu vực phố cổ là do lòng đường, vỉa hè quá hẹp, mật độ dân sinh lớn, lưu lượng xe qua lại quá đông. Giao thông phố cổ tuy không bị ùn tắc như những khu vực trọng điểm khác, nhưng tình trạng lộn xộn vẫn diễn ra hàng ngày.


Trong khi đó, cảnh sát giao thông không có đủ lực lượng để xử lý vi phạm trong khu vực phố cổ. Khâu xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc đã dẫn đến việc đảm bảo trật tự giao thông của các cơ quan chức năng chưa đạt hiệu quả. Do đó, cần một giải pháp toàn diện hơn, biện pháp xử lý mạnh tay hơn để mới mong lập lại được trật tự giao thông cho khu vực phố cổ Hà Nội.


Đội phó Đội Tham mưu (Phòng Cảnh sát trật tự - Công an Thành phố) Phạm Cao Bình:


Chú trọng công tác tuyên truyền


Để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè hiện nay, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm, việc tuyên truyền sâu rộng là biện pháp trọng tâm. Khi người dân đã thấm nhuần chủ trương, chính sách thì họ sẽ tự giác chấp hành nghiêm chỉnh.

Khu phố cổ trung tâm quận Hoàn Kiếm là nơi thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, để tìm một lối đi thông thoáng cho người đi bộ trên các tuyến phố được gắn mác là “Tuyến phố văn minh đô thị” lại quá khó. Phố cổ vốn đã chật chội, đông đúc, nay còn bị “nghẹt thở” hơn, khi lượng người và phương tiện đổ về đây mua bán hàng ngày không ngừng gia tăng. Phố cổ đang đánh mất đi những nét mỹ quan đô thị do sự thiếu ý thức của không ít người tham gia giao thông và cơ quan chức năng sở tại thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.


Tình trạng lực lượng chức năng vừa kiểm tra, xử lý vi phạm xong thì vi phạm lại tái diễn sau đó vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng này cứ tái diễn, lặp đi lặp lại là một sự thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Chính việc xử lý không kiên quyết, buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở đã làm cho vỉa hè, lòng đường của các khu phố cổ trở nên lộn xộn, nhếch nhác.

Nâng cao trách nhiệm của công an phường


Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông Hà Nội, tình trạng phương tiện dừng đỗ lộn xộn trong các khu phố cổ không chỉ xuất phát từ ý thức kém của không ít người dân mà còn do sự thiếu phối hợp thống nhất trong chỉ đạo của các đơn vị quản lý, chính quyền sở tại.


Chỉ riêng về vấn đề cho phép để xe trên vỉa hè hay không cũng có nhiều ý kiến rất khác nhau. Nhất là khi triển khai xuống cấp quận, phường thì quan điểm của mỗi quận, mỗi phường lại khác nhau, nhất là tại các địa bàn giáp ranh.


Sự khác nhau về địa giới hành chính đã dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức, sắp xếp xe cộ, quản lý vỉa hè, lòng đường. Có nơi để xe máy, xe đạp sát trên vỉa hè, sát lòng đường; có nơi để lui vào chân tường; có nơi bố trí đầu xe quay vào trong, có nơi lại cho quay ra ngoài...


Phó Chánh Văn phòng Công an Hà Nội, Thượng tá Hoàng Cao Thắng cho biết, trước tình trạng trên, công an Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố kế hoạch xử lý tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đang diễn ra phức tạp tại các tuyến phố nội đô. Theo đó, đối với những phường để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nghiêm trọng, tới đây sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo công an phường.


Tuy nhiên, xử lý triệt để vấn đề này không dễ, nếu người dân không tuân thủ các quy định của pháp luật. Do đó, việc tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, cần được duy trì thường xuyên trong các khu dân cư. Chỉ khi mỗi người nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, thì tình trạng lộn xộn như trên mới hy vọng được đẩy lùi.


Để giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các lực lượng chức năng từ quận đến phường cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, nhằm xây dựng đô thị văn minh theo chủ trương của thành phố. Việc xử lý vi phạm cần làm kiên quyết, triệt để chứ không chỉ làm theo kiểu tổ chức chiến dịch ra quân rầm rộ ban đầu, sau đó lại để xảy ra tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Có như vậy, trật tự đô thị phố cổ mới hy vọng được lập lại kỷ cương.



Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN