Cuộc họp sơ kết 2 năm về quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức ngày 2/12 đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu về sự nỗ lực của cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc dẹp “rác tường”.
Các bảng quảng cáo rao vặt chưa phát huy được nhiều tác dụng. |
Một trong những giải pháp khả thi cho vấn đề này đã được đưa ra là “quy hoạch” các quảng cáo, rao vặt này về một điểm. Tuy nhiên, để xử lý triệt để “rác tường”, các bảng quảng cáo miễn phí này cần phải phát huy hiệu quả hơn nữa.
Biến tướng “rác tường”
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TT-TT), ông Nguyễn Xuân Quang cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, hiện tượng quảng cáo rao vặt (QCRV) trên những tuyến phố trung tâm, trục đường chính ở Hà Nội về cơ bản đã giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực gọi điện nhắc nhở hoặc nhắn tin tới các số điện thoại QCRV vi phạm; gửi thông tin của khách hàng đã vi phạm về Sở; ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại QCRV vi phạm.
Từ tháng 5/2010 đến nay, Sở TT-TT Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 1.951 số điện thoại QCRV vi phạm trong đó có 840 số điện thoại mạng Viettel, VinaPhone là 472 số, 302 số thuộc mạng MobiFone… Mặc dù việc ra quân xóa bỏ nạn QCRV trái phép đạt được nhiều kết quả tốt nhưng Sở TT-TT Hà Nội cũng thừa nhận: Tình trạng tái vi phạm, phát sinh mới QCRV sai phạm vẫn “nở rộ” trên các tuyến phố, ngõ hẻm. Số điện thoại vi phạm vừa bị cắt thì số mới lại xuất hiện trên tường, cột điện hay bốt điện thoại.
Không chỉ vậy, một cán bộ Phòng Văn hóa thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) còn cho biết: Thời gian gần đây, các đối tượng còn sử dụng các hình thức khác như: In quảng cáo ra các tờ giấy rất nhỏ như hộp bao diêm, sau đó thuê người cài vào cửa, thả vào sân của nhà dân. Thậm chí, theo đại diện quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), QCRV còn biến tướng bằng cách in ra những tờ giấy nhỏ như các-vi-dít rồi cài lên các dây điện. Đối tượng chủ mưu những việc này còn thuê trẻ em khoảng 14, 15 tuổi đi rải tờ rơi mà nếu bị phát hiện cũng không thể bắt giữ quá 24 tiếng; thuê những người lao động đi vào các buổi tối để phát tán nội dung quảng cáo...
Quy hoạch địa điểm cho rao vặt
Để góp phần hạn chế nạn “rác tường” cũng như đáp ứng sự mong mỏi của đơn vị, cá nhân có nhu cầu QCRV, Sở TT-TT Hà Nội đã đồng ý cho các doanh nghiệp lắp đặt các bảng QCRV vặt miễn phí. Tuy nhiên, vài tháng qua, rất nhiều bảng QCRV đã không phát huy được hiệu quả, bảng thì bị bỏ trống, bảng thì chỉ được dán lèo tèo vài ba tờ rơi, thông báo nhỏ lẻ. Không chỉ vậy, nhiều địa điểm dành cho những tấm bảng này lại bị chiếm dụng và trở thành quán nước, điểm dừng chân cho những gánh hàng rong...
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng: Nguyên nhân do bảng quảng cáo thường đặt ở những vị trí khuất tầm nhìn; người dân chưa có thói quen ra bảng quảng cáo đọc thông tin nên các đơn vị, cá nhân quảng cáo chưa mặn mà.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Quang Bộ - Phó giám đốc Chi nhánh Viettel Hà Nội 2 đồng tình với việc phát huy bảng QCRV miễn phí vì theo ông Bộ, việc cử người đi bóc giấy quảng cáo, cắt số điện thoại vi phạm là việc làm rất nan giải, chưa phải là giải pháp hữu hiệu lâu dài. Đại diện Chi nhánh Viettel Hà Nội 2 đã đề xuất: Nên lắp đặt và treo bảng QCRV miễn phí tại khu vực xe buýt, khu tập trung đông dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ đọc thông tin. Hiện nay, Viettel đang triển khai mô hình này nhưng nhiều địa điểm còn phải chờ phê duyệt.
Một doanh nghiệp viễn thông khác cũng bày tỏ: Để tiến độ xây dựng các bảng QCRV miễn phí được nhanh và hiệu quả thì cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ UBND quận, huyện; không cho phép người dân chiếm dụng không gian để bán hàng hay tập kết thu gom rác thải…
Minh Phương