Gỡ khó cho các nhà xuất bản

Tính đến hết tháng 11/2015, trong số 63 nhà xuất bản (NXB), chỉ có 24 NXB (38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản về vốn, trụ sở, nhân lực - đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cơ quan chủ quản NXB năm 2015 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8/1.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện các quy định tại Điều 13 Luật Xuất bản và Điều 8 Nghị định số 195/2013/NĐ - CP trong việc xét cấp đổi giấy phép thành lập NXB, bộ này đã phối hợp với các cơ quan chủ quản NXB tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá từng NXB. 

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 4 tháng; nhưng Bộ cũng mới chỉ cấp đổi giấy phép thành lập cho 27/60 NXB (chiếm 45%). Như vậy, cho đến thời điểm này, vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập. Trong đó, 26 NXB chưa đủ điều kiện cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định (chưa đủ nguồn kinh phí hàng năm ít nhất 5 tỷ đồng để hoạt động xuất bản, chưa đủ chức danh lãnh đạo NXB, cơ quan chủ quản không phù hợp) và 7 NXB chưa được cơ quan chủ quản làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập NXB hoặc đã nộp hồ sơ đề nghị nhưng thiếu giấy tờ liên quan.

Nhiều NXB vẫn chưa đảm bảo điều kiện hoạt động.

Theo ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, một số NXB vẫn chưa được bảo đảm điều kiện hoạt động. Nhiều cơ quan chủ quản chưa chú trọng đầu tư cho các NXB trong việc ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản. Phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ của các NXB còn nhiều hạn chế. Đa số NXB mới chỉ dừng ở mức sử dụng công cụ tin học để hỗ trợ một phần quy trình xuất bản. Các công nghệ mới theo mô hình xuất bản hiện đại đáp ứng đòi hỏi của truyền thông đa nền tảng, truyền thông hội tụ không có điều kiện phát triển. Xuất bản điện tử vẫn ở giai đoạn thí điểm, chỉ được số ít NXB quan tâm. Trong năm 2016, do những khó khăn trong việc sắp xếp nguồn vốn, nhiều NXB không nhận được chế độ đặt hàng của cơ quan chủ quản; cơ chế để các đơn vị cùng trực thuộc một cơ quan chủ quản với NXB phối hợp tổ chức xuất bản sách tại NXB không được quan tâm, triển khai hiệu quả.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn: Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ - CP chỉ quy định “cơ quan chủ quản và NXB bảo đảm kinh phí hàng năm ít nhất 5 tỷ đồng để NXB thực hiện nhiệm vụ xuất bản”, vì vậy, giữa các bộ, ngành, cơ quan chủ quản NXB chưa có cách hiểu và thực hiện thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình cấp đổi giấy phép thành lập NXB. Một số cơ quan chủ quản còn chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của NXB, dẫn đến việc NXB liên tiếp có xuất bản phẩm sai phạm, bị xử lý, làm mất uy tín của NXB và ảnh hưởng đến cả ngành. Nhiều cơ quan chủ quản chưa phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và kiến nghị với các cơ quan liên quan về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của NXB.

Gỡ khó cho NXB hoạt động là vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo tại hội nghị. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng các cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương thống nhất thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản. Đối với việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng, cần thiết có thể kiến nghị sửa đổi nghị định. Song, trong lúc chờ sửa đổi, có thể vận dụng thực hiện một cách sáng tạo để các NXB hoạt động, không vì lý do không có nguồn kinh phí 5 tỷ đồng mà không cấp phép cho các NXB.

Để nâng cao chất lượng toàn diện và hoạt động bền vững của NXB năm 2016, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các cơ quan chủ quản NXB nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của NXB trung và dài hạn, phù hợp với chiến lược của ngành; đổi mới nâng cao năng lực của NXB, nâng cao năng lực cho đội ngũ biên tập viên, quy hoạch nguồn nhân lực theo từng giai đoạn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển. Cơ quan chủ quản phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các đề tài, không để xảy ra sai sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật, làm lành mạnh hóa thị trường, đẩy mạnh các sản phẩm xuất bản có giá trị.
Chu Thanh Vân
Báo động về năng lực của các nhà xuất bản
Báo động về năng lực của các nhà xuất bản

“6 tháng đầu năm 2015, trong số 63 nhà xuất bản trên toàn quốc, chỉ có 24 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; trong đó có khoảng 13% nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN