Theo Cuộc điều tra Quốc gia về vị thành niên Việt Nam (Savy 2) mới được công bố, hơn 90% thanh thiếu niên tham gia điều tra trên có hiểu biết nhất định về HIV/AIDS. Tuy nhiên, những hiểu biết này còn sơ sài và thiếu cụ thể. Điều này có thể làm cản trở việc phòng chống căn bệnh, cũng như ngăn cản đường tái hòa nhập của những người có H.
Nặng tư tưởng kỳ thị
Theo điều tra Savy 2, hơn 50% thanh thiếu niên có thái độ kì thị với người có H.
Sợ lây cả từ con muỗi
Phần lớn thanh thiếu niên được hỏi đều biết đến 4 nguyên nhân lây nhiễm HIV là: Quan hệ tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu không an toàn. Mặc dù vậy, khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể, những hiểu biết trên trở nên quá chung chung và thậm chí thành hiểu sai.
Thanh thiếu niên đường phố trình diễn tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Chẳng hạn, một tỷ lệ đáng kể thanh thiếu niên tin rằng HIV có thể lây truyền qua muỗi đốt (26%). Một số người khác “lo xa” đến mức tin rằng sử dụng chung bát đĩa (10%) hay lây truyền qua đường hô hấp (13%). Từ những hiểu biết sai lệch này sẽ dẫn đến những thái độ kỳ thị đối với người nhiễm HIV.
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học cho rằng: “Nếu họ tin rằng muỗi đốt lây HIV, thì sẽ rất dễ có thái độ kỳ thị với người nhiễm HIV. Chẳng hạn, họ không thể ở chung nhà, học cùng một môi trường. Một số nghiên cứu nhỏ cho biết, một số người nhiễm HIV làm việc tại các quán ăn, nhà hàng thì không ai dám đến ăn nếu người ta biết họ nhiễm HIV”.
Muôn nẻo xa lánh
Cũng nói về chuyện kỳ thị với người nhiễm H, BS Vũ Minh Phượng - Phó Trưởng Bộ môn Điều dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ câu chuyện về một anh kỹ sư xây dựng năm nay 29 tuổi, đã có gia đình và có vị trí nhất định trong công việc. Anh ta có quan hệ “ngoài luồng” với một cô nhân viên nhưng không dùng bao cao su. Đến khi có thông tin cô nhân viên kia dương tính với HIV thì ngay lập tức anh cho cô nhân viên kia nghỉ việc.
Học sinh tiểu học biểu diễn tiểu phẩm chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS trong trường học. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Bác sĩ Nguyễn Thiên:
Cần có thêm các điểm tư vấn
Bản thân là một người tư vấn các vấn đề về HIV, về tình dục an toàn, tôi thấy việc nhân rộng các điểm tư vấn là vô cùng cần thiết. Nhiều bạn trẻ khi làm việc với chúng tôi nói rằng họ muốn hỏi nhưng không biết hỏi ở đâu để giữ được bí mật. Điều này chứng tỏ hiểu biết của các bạn về các điểm tư vấn có vấn đề. Mặt khác, nó cũng cho thấy các điểm tư vấn chưa thực sự đủ nhiều, đủ mạnh để đến với những người có nhu cầu tư vấn. Rõ ràng, cần phát triển mạnh hơn các điểm tư vấn này.
Bác sĩ Vũ Minh Phượng:
Kỳ thị cả bác sĩ làm việc với người có H
Người nhiễm H vẫn còn chịu sự kỳ thị rất lớn từ phía cộng đồng. Bởi trong suy nghĩ của mọi người từ trước đến nay cho rằng người nhiễm HIV là những người tiêm chích, nghiện ngập, mại dâm… Nên những người nhiễm H khó có thể hoà nhập với cộng đồng. Bản thân những người làm việc với những người nhiễm H như tôi đôi khi vẫn chịu sự “kỳ thị” của một vài người chưa có những hiểu biết thấu đáo về HIV cũng như họ vẫn còn quá mang nặng tư tưởng kỳ thị xưa cũ.
Phạm Diệu (Hoàng Mai, Hà Nội):
Lo lắng vì lối sống gấp
Tôi thấy lo lắng vì nhiều bạn trẻ giờ có lối sống gấp, lại thêm thiếu hiểu biết. Đặc biệt là khi đọc những bài báo về việc các em có thể dễ dàng quan hệ tình dục với nhau sau chỉ một hai lần gặp mặt. Như thế, nhu cầu lây nhiễm HIV sẽ rất cao.
Nguyễn Phương Mai (Ba Đình, Hà Nội):
Thanh thiếu niên vùng cao hầu như không có kiến thức về HIV
Mình và bạn bè hay đi đến các tỉnh vùng cao để du lịch và cũng để làm từ thiện. Khi trò chuyện cùng các em ở đây về vấn đề giáo dục giới tính thì các em tỏ ra rất e dè, ngại ngùng. Hầu hết các em đều không có hoặc có rất ít kiến thức về giáo dục giới tính và HIV. Đây cũng là điều đáng để trăn trở và suy ngẫm. Mình thấy trẻ em vùng cao thiệt thòi quá và rất cần thiết tăng cường truyền thông cho nhóm đối tượng này để họ có những hiểu biết và kiến thức về HIV. |
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây 2 năm tại một trường tiểu học tại TP.HCM. Với mong muốn cho các trẻ em có H được hoà nhập với cộng đồng nên trung tâm nuôi dưỡng trẻ HIV đã đưa các em đến trường để được học cùng các trẻ em bình thường khác. Nhưng khi các em chưa bước đến cổng trường thì toàn bộ phụ huynh học sinh ở trường này đã chặn lối không cho các em vào. Họ còn lên UBND huyện yêu cầu không cho các em nhiễm HIV được học tại trường. Thế là số trẻ em nhiễm H này phải học riêng ngay tại trung tâm. Ước mơ hòa nhập tan vỡ.
Về vấn đề này, bác sĩ Jean-Baptiste Dufour cho biết, trong các bệnh viện của Việt Nam vẫn còn tình trạng nhân viên y tế, bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc người nhiễm HIV có thái độ kỳ thị, hoặc bị người khác kì thị, khó lập gia đình, đưa họ vào tình trạng buộc phải làm chứ không có tình thương hay sự thông cảm.
“Khoảng cách từ hiểu biết đến hành động còn rất rộng. Nhiều em có hiểu biết nhưng vẫn có thể lây nhiễm HIV do thiếu chủ động phòng tránh hoặc chủ quan. Song đáng lo ngại là chính một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên (chủ yếu ở nông thôn) vẫn thiếu hiểu biết về HIV/AIDS có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ kỳ thị đối với người HIV càng cao.”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi nhấn mạnh.
Tiêu cực hoặc trở thành nguồn lây bệnh
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi chia sẻ câu chuyện trong một lần đi công tác khiến ông trăn trở: “Năm 2011, tôi tham dự một hội nghị quốc tế về HIV ở Hải Phòng. Đây là thành phố có tỷ lệ người nghiện và nhiễm HIV cao. Nhiều người nhiễm HIV đã lây sang vợ. Khi người chồng mất thì những người vợ này cũng biến mất. Họ đi nơi khác vì họ bị kỳ thị ở chính quê hương mình. Những người này có thể tự kiếm sống hay lại trở thành những nguồn lây nhiễm HIV qua đường mại dâm? Không biết điều gì sẽ xảy ra với họ”.
Ngoài ra, sự kỳ thị có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực của những người có HIV như câu chuyện của một thành viên có HIV của nhóm Hoa Xương Rồng (CLB của những phụ nữ sau cai nghiện): “Một lần em vào hàng ăn, có một gia đình ngồi ăn ở đó cứ nhìn “đểu” em rồi đứng lên bỏ đi khi em ngồi vào bàn. Lúc đó em ước có cái kim tiêm để em đâm vào em rồi đâm vào chúng nó cho bõ tức”.
Kỳ thị có thể được coi là một khía cạnh của sự phát triển nên không thể loại bỏ sự kỳ thị khỏi đời sống xã hội. Nhưng với những người HIV, kỳ thị có thể sẽ “giết chết” họ ngay khi họ vẫn đang sống trong cộng đồng và đem đến nhiều nguy cơ cho chính cộng đồng đó.
“Phân biệt, kì thị sẽ làm cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn, bởi vì việc phân biệt đối xử sẽ khiến người nhiễm HIV ngần ngại trong việc xét nghiệm, chữa trị, không thông báo cho người thân trong gia đình”, bác sĩ Jean-Baptiste Dufour, Tùy viên Hợp tác Y tế và phát triển xã hội Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khẳng định.
Ông cũng đưa ra những ví dụ điển hình ở các nước Châu Phi, khi số những người nhiễm HIV được xét nghiệm, chữa trị cao, thì lượng nhiễm mới giảm đi rất nhiều.
Hiện nay ở Việt Nam, các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện rất phát triển. Tuy nhiên nhiều thanh thiếu niên tỏ ra ngần ngại khi đến những nơi này.
Bác sĩ Vũ Minh Phượng đặt ra câu hỏi: “Tại sao kiến thức về HIV rất nhiều và dễ tiếp cận, nhưng số lượng người nhiễm mới vẫn tăng và độ tuổi nhiễm HIV ngày càng bị trẻ hoá?”.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, có 6.146 người nhiễm HIV- đây là số lượng khá lớn đối với một quốc gia mà căn bệnh HIV/AIDS không mới và nguồn thông tin về căn bệnh này cũng không hề thiếu.
Do vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để thanh thiếu niên có một cái nhìn toàn diện về HIV. Giúp họ có hiểu biết về cách phòng tránh cũng như những con đường có thể lây nhiễm HIV. Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng. Tất cả mọi người đều cần tham gia cung cấp kiến thức cho thanh thiếu niên kiến thức về HIV. Khi đã có hiểu biết họ sẽ hành động khác, sẽ giúp tình trạng kì thị với người nhiễm HIV giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tự phòng tránh HIV cho thanh thiếu niên Việt Nam.
“Mở rộng vòng tay, thân thiện với người có HIV sẽ khai thác được tính thiện trong con người họ, không làm họ phải gồng mình trước sự phân biệt, kỳ thị của xã hội. Họ sẽ là những người tích cực nhất cùng xã hội góp phần đẩy lùi HIV/AIDS”, bác sĩ Phượng khẳng định.
Cầm Trang - Thu Trang