Phóng viên cùng các cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu và các chiến sĩ dân quân xã Chiềm Bôm có mặt tại khu vực đầu nguồn suối Nhộp, điểm giáp ranh giữa xã Chiềng Bôm và xã Co Mạ, nơi vừa xảy ra một đám cháy rừng. Đứng trên đồi cao quan sát, vị trí cháy khá gần, nhưng để di chuyển được đến đó phải mất hơn 2 giờ.
Theo các cán bộ kiểm lâm, ngay khi nhận được tin báo, lực lượng kiểm lâm cùng nhân dân đã có mặt tại hiện trường, nhưng do thời tiết hanh khô, cộng với lớp thực bì quá dày, chủ yếu là cây lau sậy, nên khi gặp gió mạnh, đám cháy ngày càng lan rộng không thể kiểm soát. Mặc dù đã huy động cả lực lượng dân quân tự vệ và người dân trong vùng tham gia, song cứ dập tắt chỗ này thì điểm khác lại bùng lên mạnh hơn. Thậm chí, có những vị trí đã làm đường băng cản lửa, nhưng chỉ một tàn tro theo gió bay lên là lại cháy lan sang những khu rừng khác gần đó.
Anh Vũ Ngọc Tiến, cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu cho biết, tại một số khoảng đất trống trong rừng, có những đám nương xen với các đám cỏ gianh lau lách, khi bà con đốt nương, tàn tro gặp gió lớn bay đi, dẫn đến cháy lan vào rừng. Mặc dù đơn vị đã huy động mọi lực lượng có thể, nhưng vẫn không dập tắt kịp thời được đám cháy.
Theo chân lực lượng kiểm lâm đi dập lửa cứu rừng mới thấu hiểu và cảm phục trước những khó khăn, vất vả mà họ phải đối mặt. Trong quá trình chữa cháy rừng, họ đã phải dùng rất nhiều cách để làm cho ngọn lửa không bùng phát trở lại. Tại nơi có ngọn lửa đang bùng phát, lực lượng dân quân tự vệ cùng cán bộ kiểm lâm nỗ lực cứu rừng bằng cách phát đường băng cản không cho lửa cháy lan tiếp sang khu rừng bên cạnh. Mặc cho ngọn lửa bốc cao, bất chấp sức nóng tỏa và khói bụi, nhưng chỉ với những dụng cụ thô sơ, họ vẫn “vào trận” với quyết tâm cao nhất để cứu lấy rừng. Theo các cán bộ kiểm lâm, việc này rất nguy hiểm, người tham gia phải có sức khỏe, nếu thuận chiều gió, lửa lan đến rất nhanh, không chạy kịp có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng. Cùng với đó, trong rừng có nhiều cây chết khô có thể đổ xuống bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu cho biết, việc xử lý các đám cháy trong rừng đặc dụng rất khó, bởi có nhiều cây khô chết đứng, khi cháy lửa sẽ bắt lên ngọn cây và có thể rơi trúng người tham gia chữa cháy bất cứ lúc nào. Trong việc chữa cháy, việc đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Khu rừng đặc dụng Copia do Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu quản lý trải dài trên địa bàn 3 xã Co Mạ, Long Hẹ và Chiềng Bôm, với tổng diện tích trên 16.200 ha, gồm 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 6.460 ha và phục hồi sinh thái 9.800 ha. Hiện nay, ngoài tình trạng nắng nóng kéo dài, thảm thực vật dày khô - hệ quả của đợt băng tuyết năm 2016 làm gãy đổ hơn 670 ha rừng đặc dụng Copia, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm trong việc kiểm soát cháy rừng. Ban Quản lý đã đề ra nhiều phương án, nhưng do địa hình phức tạp, công tác phòng, chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lò Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu thông tin, vào đầu mùa khô, đơn vị đã huy động người dân làm đường băng cản lửa; đồng thời phân công lực lượng trực để sẵn sàng tiếp cận đám cháy, cũng như đi tuần bao quanh và phát dọn thực bì.
Sơn La đang nỗ lực bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn trên 600 nghìn ha. Mùa khô năm 2019, do nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài đã dẫn đến 17 vụ cháy rừng, trong đó cháy hơn 260 ha rừng trồng đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản lâm sinh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La Lò Thế Thi cho biết, mùa khô năm 2020, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, phương châm được lực lượng kiểm lâm đặt ra là: “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có”. Đơn vị huy động tối đa lực lượng tại chỗ, chỉ huy điều hành chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.