Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cho biết, cùng thời điểm này mấy năm về trước mực nước tại suối Đa Ha cao khoảng 1 mét nên việc lấy nước phục vụ cho công tác chữa cháy thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay mực nước ở con suối này chỉ còn lại khoảng 10 cm, là mực nước chết.
“Hiện tại công tác trữ nước, tích nước để phòng, chống cháy rừng của đơn vị đang gặp rất khó khăn. Vào những năm trước chúng tôi chỉ cần bố trí xe hút nước đậu hẳn ở trên bờ và thả ống đáy xuống suối Đa Ha là có thể hút nước để dự trữ, nhưng hiện tại nước đã khô cạn, buộc lòng chúng tôi phải xuống tận khe suối để múc từng can nước, rất khó nhọc” - anh Trần Nam Sang, nhân viên quản lý rừng ở Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cho biết.
Năm 2016, để chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực do cạn kiệt nguồn nước, gây mất cân bằng hệ sinh thái rừng và phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã đề xuất chủ trương xây dựng đập tự tràn trên suối Đa Ha, để giữ nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa được xem xét phê duyệt.
Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nhấn mạnh: Trước tình trạng khô hạn trơ đáy của con suối Đa Ha này, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, cho xây dựng đập tràn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vườn Quốc gia hoàn thành tốt công tác phòng, chống cháy rừng.
Ngoài ra, theo ông Phương, nếu công trình đập tràn tại suối Đa Ha được triển khai, ngoài việc trữ nước để phòng cháy, chữa cháy thì nguồn nước suối Đa Ha trong Vườn Quốc gia sẽ được điều tiết, dự trữ liên tục trong năm, vào mùa mưa đập tự tràn sẽ điều tiết dòng chảy bình thường, không gây ngập úng, còn vào mùa khô nguồn nước vẫn không bị cạn kiệt.
Suối Đa Ha thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát bắt nguồn từ Campuchia chảy xuyên ngang qua toàn bộ Vườn Quốc gia rồi chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, với chiều dài hơn 20km (chưa kể nhiều nhánh suối phụ), là nguồn cung cấp, điều tiết nước chính cho toàn bộ Vườn Quốc gia.
Hiện nay đang là giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo nhiều ngày không mưa, nên hơn 72.200 ha rừng ở Tây Ninh đang trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp 5, tức cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Tây Ninh, cho biết, việc phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những công tác rất đặc thù, do điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện đi lại, trang thiết bị không thể đáp ứng 100% so với nhu cầu thực tế. Nếu rừng nằm ở địa hình hiểm trở thì máy móc nặng nề không thể tiếp cận được, buộc phải sử dụng lực lượng tại chổ là nhân viên bảo vệ rừng, nhưng lực lượng cũng khá mỏng, nên buộc phải huy động thêm dân, cũng như các lực lượng khác hỗ trợ. Nếu có cháy lớn, lực lượng và phương tiện tại chỗ không xử lý được.
Kể từ đầu mùa khô, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng với quy mô vừa và nhỏ.