Gian nan bám biển mùa bão nổi

Cứ vào mùa bão nổi, dải đất miền Trung lại phải oằn mình gánh chịu sự bất thường của thời tiết. Vậy mà tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang), ghe thuyền vẫn tấp nập vào bến với những mẻ cá trĩu nặng. Có lẽ họ đã quá quen với cảnh sống chung cùng bão tố.


Nhọc nhằn bám biển mưu sinh


Vừa chuẩn bị cho thuyền viên chuyển cá lên bờ, anh Nguyễn Văn Việt, 48 tuổi ở khu Chân Phước, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang, chủ của 2 chiếc ghe cào vừa nói: “Dù biển động hay biển êm, chúng tôi vẫn đi đều đặn. Mùa sóng lớn, anh em vất vả hơn, thậm chí có chuyến do tránh bão, hết lương thực đành phải về không. Thế nhưng, bù lại có những chuyến khác khá hơn.

 

Ngư dân đang chuyển cá lên bờ tại Cảng Hòn Rớ, Nha Trang.

Cũng theo lời anh Việt, hiện nay trên các ghe đánh bắt xa bờ đều được trang bị đầy đủ máy móc nên rất chủ động trong việc phòng tránh thiên tai. Chỉ có điều dù đi trước hay sau bão thì mùa này vẫn vất vả gấp trăm lần những mùa biển êm. “Vất vả nhưng vì mưu sinh mà anh! Với công suất 350CV như ghe tôi, vào mùa biển êm mới ra được ngư trường Trường Sa, còn mùa này chỉ đánh bắt về phía biển Phan Thiết, Vũng Tàu”-Anh nói với giọng tiếc rẻ bởi Trường Sa mới là ngư trường chính, là “vựa cá” cho những ghe đánh bắt xa bờ.


Khác với anh Việt, anh Nguyễn Thanh Tùng, 24 tuổi ở cầu Hà Ra, TP. Nha Trang, chủ của chiếc ghe lưới lớn công suất 720CV lại khá vui vẻ: “Ngư trường chính của chúng tôi là Trường Sa, chúng tôi được ngân hàng cho vay vốn, Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để làm ăn nên rất yên tâm”. Tuy nhiên, cũng theo lời anh Tùng, đi biển mùa này cơ bản lời ít, lỗ nhiều.


Cần một chính sách bền vững


Biết lỗ vốn vẫn đi, sóng gió không quản ngại-đó là ý kiến của rất nhiều chủ ghe. Có lẽ nghiệp đi biển đã ăn sâu, bám rễ vào những gia đình ngư dân ven biển Khánh Hòa. Mong muốn có một chiếc ghe lớn đối với những người như anh Việt là quá khó bởi chi phí đóng mới lên tới hàng tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng thì ngư dân không thể đảm đương nổi. Anh Đỗ Trung Hiệp, Trưởng ban Cảng cá Hòn Rớ chia sẻ: “Mùa này chỉ có ghe lớn mới dám đi xa. Mỗi ngày cảng chúng tôi tiếp nhận từ 80-100 chiếc với khoảng 400-500 tấn cá nhập vào. Chủ yếu là đội ghe đánh bắt xa bờ, họ được Nhà nước hỗ trợ một phần nên hoạt động tương đối ổn định. Vì thế, kể cả mùa biển động họ đều bám ngư trường”.


Ông Võ Khắc Én, Trưởng phòng Kỹ thuật Quản lý Nguồn lợi Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 1.100 ghe đủ điều kiện đánh bắt xa bờ (công suất từ 90CV trở lên). Tuy nhiên chỉ có 419 chiếc công suất lớn nằm trong diện Nhà nước hỗ trợ để đánh bắt trên các ngư trường như thềm lục địa phía Nam, Hoàng Sa, Trường Sa… Đây là những ngư trường đầy triển vọng nếu đủ vật chất, điều kiện để ngư dân bám biển dài ngày.


Về việc duy trì khả năng khai thác thủy hải sản trên những vùng biển xa, ông Én cho biết thêm: Nhà nước có hỗ trợ cho những ghe công suất lớn đánh bắt xa bờ các thiết bị thông tin liên lạc tích hợp vệ tinh, thường xuyên thông báo ngư trường đánh bắt… Mỗi năm các ghe này nhận 80-100 triệu đồng để phụ thêm phần nhiên liệu. Vì vậy, hầu như mùa nào họ cũng có mặt trên các ngư trường xa bờ. Thế nhưng từ đây lại nảy sinh vấn đề mới: Khi sản lượng đánh bắt nhiều thì công tác thu mua vẫn còn bất cập. Số lượng ghe thu mua tại chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ lại không được hỗ trợ vốn nên rất khó hoạt động. Vì thế đa số ghe đánh bắt phải quay vào bờ nhập sản phẩm, tiếp nhiên liệu nên tính ra tốn kém gấp đôi.


Bởi vậy, rất cần một chính sách hỗ trợ không chỉ cho ghe đánh bắt mà còn cho cả ghe thu mua. Có như vậy mới giải quyết tốt các khâu từ đánh bắt đến thu mua, chế biến và xuất khẩu, bảo đảm tính bền vững cho một quy trình hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, ngư dân cũng yên tâm bám biển xa làm ăn dài ngày mà không phải lo âu, thấp thỏm vì lỗ vốn.

 

Bài và ảnh: Hồ Anh Mão

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN