Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, lường trước được trong quá trình thi công, các máy móc lu, đầm sẽ nguy cơ gây rung chấn đối với những công trình xây dựng lân cận, chủ đầu tư đã có hợp đồng bảo hiểm với Công ty bảo hiểm Pijico chi nhánh Quảng Bình. Đồng thời, đánh giá hiện trạng các công trình nhà ở này, trước khi thi công nút thắt tại xã Quảng Xuân.
Khi nhận được phản ánh của các hộ dân là nhà có nứt nẻ, chủ đầu tư đã thông báo đến đơn vị Bảo hiểm và cùng một đơn vị giám định độc lập của Bảo hiểm kiểm tra, giám định hiện trạng nhà của các hộ dân, so sánh với hiện trạng trước khi thi công đã được đánh giá.
Hiện, đơn vị đã giám định 44 công trình xây dựng gồm nhà ở của 42 hộ dân và của 2 tổ chức; trong đó, có 17 công trình nhà ở dãy một của phạm vi thi công (cách tầm 50 m so với nút giao tại xã Quảng Xuân) còn các công trình khác nằm ở dãy hai và dãy ba xa hơn nữa, song đều được đánh giá hết trong phạm vi nút giao ở Quảng Xuân. Chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị tư vấn, giám định độc lập khẩn trương có kết quả trên cơ sở đánh giá hiện trạng để thông báo cho các hộ dân, sớm có phương án xử lý đền bù.
Ông Nguyễn Ngọc Quý cũng cho rằng, việc thi công nền đường nút thắt xã Quảng Xuân của nhà thầu đang tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật của gói thầu. Nếu không sử dụng các thiết bị lu, rung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thi công, ảnh hưởng đến độ chặt của nền đường. Chủ đầu tư đang nghiên cứu các giải pháp thi công phù hợp thay vì không lu, rung, song sẽ làm tăng chi phí so với định mức ban đầu.
Trước đó, nhiều hộ dân sống tại thôn Thanh Lương (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) đã phản ánh việc nhà ở bị nứt nẻ tường, dầm, người dân phải sống trong lo lắng, bất an. Người dân đã ngăn chặn không cho máy móc tiếp tục thi công và kiến nghị các đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) cho biết, căn nhà chị vừa đưa vào sử dụng hơn hai năm nay, song đã xuất hiện các vết nứt tại tường và sụt lụt tại nền nhà, tường và dầm. Theo chị Hoài, quá trình thi công nút thắt đường tránh Quốc lộ 12A do máy lu, rung đã làm rung chấn khiến căn nhà bị ảnh hưởng. Khi máy lu, rung, các đồ vật như bàn ghế, giường, tủ cũng đều rung như động đất.
Cùng chung sự lo lắng, anh Phạm Văn Cương (Bí thư thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) kiến nghị, để đảm bảo đời sống người dân, người dân mong muốn cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan đánh giá mức độ thiệt hại và có các giải pháp đền bù, để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất lâu dài, ổn định.
Ông Trần Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho hay, khi có phản ánh của người dân, phía huyện cũng đã liên hệ với chủ đầu tư và các đơn vị thi công để phối hợp với huyện tổ chức gặp gỡ đối thoại với bà con làm rõ vụ việc để có phương án xử lý. Huyện cũng đã đề nghị đơn vị thi công có phương án thi công phù hợp, đảm bảo quyền lợi và môi trường sống của người dân trong thời gian sắp tới.
Đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn thuộc Dự án Xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh. Dự án do Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình làm chủ đầu tư. Điểm đầu của Dự án là giao Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), điểm cuối giao Quốc lộ 12A thuộc địa phận thị xã Ba Đồn. Chiều dài xây dựng khoảng 5,76 km.
Được khởi công từ cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Mục tiêu của dự án là tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác của tuyến vận tải từ Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đi các cảng biển Hòn La, Vũng Áng; đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến qua khu vực thị xã Ba Đồn; phát huy hiệu quả đầu tư các đoạn tuyến đã được đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.