Giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất

Để hỗ trợ cho hộ đồng bào nghèo có điều kiện sản xuất, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp.

Vẫn còn nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất

Theo thống kê của Ban Dân tộc Phú Thọ, hiện toàn tỉnh còn 1.399 hộ thiếu đất sản xuất; 2.006 hộ cần hỗ trợ đất ở.

Gia đình chị Cao Thị Hoa (dân tộc Mường) là một trong 19 hộ dân sống trong vùng nhiễm xạ ở bản Dấu Cỏ xã Ðồng Cửu huyện Thanh Sơn được di dời đến khu tái định cư xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập để sinh sống. Một thời gian sau, nơi gia đình chị ở xuất hiện quá nhiều khó khăn, đất ở thì chật hẹp, không có đất sản xuất, không nước sinh hoạt, nguồn điện không ổn định cho sinh hoạt và sản xuất, đi lại khó khăn.

Vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất. Ảnh: Viết tôn


Gia đình anh Đinh Công Chinh, dân tộc Mường ở khu 4, xã Yến Mao huyện Thanh Thủy vui mừng được chuyển sang ngôi nhà mới khang trang, không phải nơm nớp lo nhà đổ, phải thức trắng đêm vì nhà dột, ướt. Nhờ sự hỗ trợ vốn của chương trình “xóa nhà tạm” của tỉnh, cuối năm 2013 gia đình anh Chinh đã xây được ngôi nhà 4 gian kiên cố. Có nhà mới để ở nhưng anh Đinh Công Chinh lại có nỗi lo khác. Cả nhà có gần chục nhân khẩu mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Làm quần quật mà vẫn nghèo.

Thực tế cho thấy rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở trên địa bàn tỉnh dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nhưng do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, hầu hết các thôn, bản vùng cao còn thiếu đất sản xuất, đất ở và các công trình nước sinh hoạt tập trung...

Theo Ban Dân tộc Phú Thọ, những năm qua các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, định canh, định cư, xóa nhà tạm, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm... được tỉnh triển khai kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống vùng đặc biệt khó khăn vẫn gặp rất thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân vẫn là do thiếu đất sản xuất, diện tích đất chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, bấp bênh. Cũng do thiếu đất sản xuất, nhiều địa phương đã nảy sinh tình trạng xâm chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty lâm nghiệp ngày càng nhiều. Quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào ở các địa phương không đất còn nhiều, hầu hết đất có thể quy hoạch làm đất ở, đất sản xuất đều đã có chủ. Nếu thu hồi đất đã có chủ để cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo thiếu đất thì phải có kinh phí đền bù, trong khi đó kinh phí của các địa phương lại rất hạn hẹp.

Những năm qua tỉnh Phú Thọ đã giải quyết được một phần nhu cầu bức thiết về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn thấp. Vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt.

Dành nguồn kinh phí lớn hỗ trợ đồng bào nghèo

UBND tỉnh Phú Thọ vừa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Dự kiến từ nay đến hết năm 2015, tỉnh sẽ huy động 242 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, trong đó 168 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ; 45 tỷ đồng vốn vay tín dụng; 29 tỷ đồng ngân sách địa phương. Nguồn kinh phí này sẽ dành chủ yếu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo…

Đối với những địa phương còn quỹ đất, tỉnh cho phép thu hồi theo quy hoạch để tạo quỹ đất giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; hoặc thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, tự nguyện trả lại đất giao cho đồng bào nghèo. Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tạo điều kiện cho mỗi hộ vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất bình quân 30 triệu đồng/hộ, thời hạn vay 5 năm với mức lãi suất 0,1% tháng tương đương với 1,2%/năm.

Đối với những địa phương không còn khả năng tạo quỹ đất hỗ trợ đồng bào nghèo, tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ và trồng rừng. Riêng đối với đất ở, tỉnh sẽ giao cho UBND huyện, xã bằng mọi cách tạo quỹ đất giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn chưa có đất ở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ bình quân 1,3 triệu đồng/hộ, để xây dựng bể chứa, bồn chứa, đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước sinh hoạt; đồng thời đầu tư xây dựng mới 85 công trình, bảo dưỡng 55 công trình tại các thôn bản phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 13.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ vùng đặc biệt khó khăn.

Phấn đấu đến hết năm 2015, tỉnh sẽ giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời thông qua thực hiện chính sách góp phần tăng tốc độ giảm nghèo, giảm tỷ lệ nghèo phát sinh.

Lâm Đào An

Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào
Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào

Những năm qua từ nhiều nguồn quỹ, đất Chính phủ và các địa phương đã giải quyết đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào, thông qua các chính sách như: 132, 134, 74, 33, 755… Hàng trăm dự án, đề án của UBND các tỉnh đã được ban hành, nhằm hỗ trợ đất ở, đất sản xuất...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN