Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang giai đoạn 2 (2009 - 2012) là dự án tiếp theo của giai đoạn 1 (2004 - 2007). Dự án này được triển khai chính thức từ tháng 6/2009 và cho đến nay thực hiện ở 51 xã, phường, 14 quận/huyện thuộc 10 tỉnh, thành.
Nhờ các biện pháp tác động tích cực đến gia đình và cộng đồng ở các địa phương có nhiều trẻ lang thang, tình hình trẻ lang thang ở đây đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là điểm nóng về trẻ lang thang.
Năm 2005, toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 8.000 trẻ lang thang. Hiện nay, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 1.700 trẻ em lang thang đường phố kiếm sống bằng các nghề: đánh giày, bán dạo, bán vé số, ăn xin… Khảo sát cho thấy trẻ lang thang kiếm sống thường đi một mình hoặc đi cùng người lớn. Tuy nhiên, trẻ thường sống tập trung trong một khu trọ. Điển hình như khu trọ tại quận 7, một nhà trọ có 88 phòng thì có tới hơn 200 trẻ em lang thang đường phố. Còn ở quận Tân Bình, một nhà trọ có hơn 100 phòng có gần 200 trẻ lang thang...
Để trẻ không “tái lang thang”
Tính đến nay, số trẻ lang thang ở các tỉnh nằm trong vùng dự án đã giảm. Các tỉnh đã giảm được nhiều như Phú Yên giảm từ 115 xuống còn 22 em, Vĩnh Phúc giảm từ 77 xuống còn 17 em. Các chỉ tiêu về tư vấn, hỗ trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ các gia đình tập huấn kinh doanh, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã đạt và vượt so với kế hoạch 3 năm đề ra. |
Là thành phố có đông trẻ lang thang, giải pháp của TP Hồ Chí Minh là vận động trẻ trở về với gia đình tại các địa phương hoặc phối hợp các tổ chức để quy tụ các em về các cơ sở bảo trợ, trường tình thương để trẻ được học văn hóa. Đây là giải pháp đối với trẻ không rõ nhân thân hoặc muốn bám trụ lại thành phố. Nhưng, đây vẫn là một "gánh nặng" cho các thành phố và để giảm bớt gánh nặng này cho các thành phố lớn, theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh), điều quan trọng là các địa phương nơi trẻ đi phải giải quyết tốt các vấn đề liên quan tới đối tượng trẻ có nguy cơ lang thang.
Đó chính là điểm khác biệt mà dự án hỗ trợ trẻ em lang thang giai đoạn 2 (2009 - 2012) hướng đến. “Để giúp một trẻ hồi gia bền vững, ngăn ngừa cơ bản trẻ em bỏ đi lang thang, dự án hỗ trợ đồng bộ về tư vấn, về giáo dục, học nghề... cho trẻ”, ông Hoàng Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết. Khác với những dự án về bảo vệ và chăm sóc trẻ em giai đoạn trước, dự án này không tác động trực tiếp vào đối tượng là trẻ em mà tập trung vào chính sách và truyền thông để đưa trẻ lang thang hồi gia và ngăn ngừa trẻ lang thang. Cách hỗ trợ của dự án cho trẻ em khác trước, do địa phương xác định và qua sự bình xét của cộng đồng. Điều này đã giúp việc xác định đối tượng được chính xác hơn. “Nhờ đánh giá cộng đồng, cán bộ dự án đã tiếp cận được với gia đình các em để tư vấn, giáo dục, thuyết phục, thậm chí có địa phương còn yêu cầu gia đình cam kết không để trẻ em đi lang thang... Vì vậy, chính gia đình các em là người tìm các em trở về”, ông Tiến nhấn mạnh.
Một số địa phương đã làm tốt việc đào tạo nghề cho trẻ thời gian qua như Hưng Yên (làm nghề thủ công), Vĩnh Phúc (dệt, chăn nuôi)… Còn Hà Tĩnh có kinh nghiệm thành lập Câu lạc bộ quyền trẻ em. Tại đây, các xã thực hiện dự án thành lập câu lạc bộ, không những thu hút các em vào sinh hoạt mà còn thu hút sự tham gia của lãnh đạo thôn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và rất nhiều phụ huynh tham gia.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em lang thang ở địa phương, giúp các em hồi gia bền vững, Ban Quản lý Dự án cho biết từ nay đến khi kết thúc dự án sẽ tập trung vào các hoạt động học nghề, cho vay vốn để hồi gia, chăm sóc thay thế với các chỉ tiêu phân bổ cụ thể cho từng tỉnh, thành và phân bổ, giải ngân kinh phí theo đúng kế hoạch.
Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang giai đoạn 2 do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. “Đây là nguồn kinh phí rất lớn nhưng cũng chỉ đóng vai trò là “vốn mời”- lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nói.
Theo ông Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, nguồn kinh phí dự án chỉ có tính chất hỗ trợ và cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Để nguồn kinh phí được sử dụng hiệu quả, phải có sự lồng ghép trong các hoạt động ở địa phương. Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương vẫn coi đây là hoạt động của dự án và chưa thật chủ động trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới trẻ em lang thang và ngăn chặn trẻ em lang thang.
“Hỗ trợ trẻ hồi gia học nghề vẫn là khâu khó khăn nhất. Muốn làm tốt phải có sự hỗ trợ tích cực của địa phương, chính quyền và đoàn thể. Sự cam kết “tay ba” giữa gia đình, chủ cơ sở và ban quản lý dự án là đảm bảo cho việc học nghề xong, có thể giải quyết việc làm cho các đối tượng thụ hưởng dự án”, lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em khẳng định.
Mạnh Minh