Giá vé đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được Hà Nội hỗ trợ khoảng 50%

Chiều 19/3, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: Giá vé đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được trợ giá từ ngân sách thành phố trong giai đoạn đầu, giống với xe buýt trước đây, khoảng 50%. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vào cuối tháng 4/2019.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội.

Ông Trường cho biết, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, điểm đầu là Ga Cát Linh, điểm cuối là Ga Yên Nghĩa, có chiều đài 13,05 km, gồm 12 nhà ga trên cao, 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa. Mỗi toa chở được 240 hành khách. Mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Thời gian mở tuyến từ 5 giờ và đóng tuyến vào 23 giờ. Tần suất giờ cao điểm từ 5 - 6 phút/chuyến. Vận tốc khai thác bình quân là 35 km/giờ. Thời gian đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến bình quân hết 23 phút. Hành khách lên xuống tàu có thang máy, thang cuốn, thang bộ. "Khi được đưa vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị này sẽ đáp ứng tối đa 55 - 60% nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến", ông Vũ Hồng Trường khẳng định.

Để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, công ty đang tiến hành 6 nhóm công việc: Hoàn thiện các hành lang pháp lý; xây dựng phương án giá vé và chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hành khách đi lại trên tuyến; chuẩn bị về nhân lực; hoàn thiện các quy trình vận hành, bảo trì phục vụ công tác vận hành thử.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, công ty cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan xây dựng phương án kết nối xe buýt và tiếp cận cho hành khách đến các ga của tuyến. Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành phương án kết nối và báo cáo thành phố xem xét phê duyệt.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Công ty đã tuyển chọn 37 lái tàu đầu tiên và đã đã trải qua quá trình 1 năm học lý thuyết, thực hành lái tàu tại Trung Quốc và hiện tiếp tục lái tại Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km, khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao.

Do đây là dự án trọng điểm quốc gia, nên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước sẽ nghiệm thu công trình về trang thiết bị và đào tạo nhân lực. Tuyến đường sắt đô thị này chỉ hoạt động khi đủ 2 điều kiện là có chứng chỉ an toàn hệ thống và được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu.

Về thời điểm vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khi nào được bàn giao, công ty sẽ sẵn sàng tiếp nhận, vận hành. Tuy nhiên, ông Trường cho biết, với tiến độ hiện nay, đến cuối tháng 4/2019, tuyến đường sắt này có thể thử nghiệm chở khách.

Về mức giá, ngày 5/3, UBND TP Hà Nội đã thông qua phương án giá vé tuyến Cát Linh - Hà ông. Cụ thể: Giá vé ở cửa là: 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé đi 1 lượt được làm tròn hàng nghìn. Ví dụ: Từ ga 1 đến ga 2, ga 1 đến ga 3: 8.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 4: 9.000 đồng/người/lượt; từ ga 1 đến ga 12 (ga cuối): 15.000 đồng/người/lượt...

- Vé tháng có 2 loại: Loại bình thường: 200.000 đồng; Loại ưu tiên (yêu cầu có ảnh): 100.000 đồng. Thời gian sử dụng vé là 30 ngày, tính từ thời điểm thanh toán.

- Vé ngày: Giá vé 30.000 đồng/ngày, không hạn chế số lượt đi, được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến trong ngày. Thành phố miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi. Mức hỗ trợ 50% giá vé tháng được áp dụng với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người cao tuổi. Mức hỗ trợ 30% giá vé tháng áp dụng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Trong 15 ngày đầu khai thác vận hành thương mại tuyến, toàn bộ hành khách sẽ được miễn phí. Ông Vũ Hồng Trường cho biết, phương án giá vé này được xây dựng dựa vào 5 tiêu chí: Thu nhập của người dân và khả năng chi trả; tính toán cạnh tranh về chi phí với phương tiện khác; khảo sát ý kiến người dân, dự toán chi phí vận hành tuyến và cân đối khả năng trợ giá từ ngân sách Nhà nước.
XC/Báo Tin tức
Việc hạn chế xe máy trên hai đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi mới chỉ là đề xuất nghiên cứu
Việc hạn chế xe máy trên hai đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi mới chỉ là đề xuất nghiên cứu

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 19/3, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Việc hạn chế xe máy trên trục đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi mới chỉ là đề xuất nghiên cứu, do hai tuyến đường này có tuyến buýt nhanh BRT và đường sắt trên cao sắp hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN