Việc rào chắn nhiều tuyến đường tại Hà Nội trong thời điểm bước vào năm học mới đã làm gia tăng các điểm ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Ùn ứ vào giờ cao điểm
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, sau ngày khai trường, các tuyến đường qua các trường học đều xảy ra tình trạng ùn ứ. Vào giờ cao điểm sáng và chiều, trước cổng trường tiểu học Chu Văn An, đường Thụy Khuê, luôn bị ùn ứ nghiêm trọng. Anh Phùng Văn Thịnh, nhà phường Bưởi nhận xét: “Tầm 7 giờ 30 và 16 giờ, đi làm qua tuyến đường này quả là một “cực hình”, nhiều người lớn chiếm dụng lòng đường để đưa đón học sinh”.
Ùn tắc giao thông trên đường Hoàng Quốc Việt. |
Trước cổng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuyến đường Trần Quốc Hoàn, dù đường rộng nhưng do học sinh băng tràn qua đường, kết hợp với lượng xe từ vành đai Phạm Văn Đồng dồn vào nên luôn xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm.
Ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Hài hòa lợi ích các bên Để giảm ùn tắc giao thông tại các quận nội thành, việc nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông tại các trường học cần được làm thường xuyên, liên tục, nhất là các em học sinh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát phải thực hiện song hành để việc chấp hành, tuân thủ pháp luật đi vào nề nếp. Thời gian qua, Hà Nội đang tiếp tục đầu tư nâng cấp cải thiện hạ tầng giao thông, tuy nhiên trong quá trình thực hiện phải thực hiện đồng bộ giải pháp phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích các bên, trong đó có lợi ích bên thi công, người dân. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội: Huy động thanh niên tình nguyện tham gia Đối với các trường THPT, đại học sẽ có đội thanh niên tình nguyện của chính nhà trường tham gia điều tiết giao thông tại cổng trường, tuyên truyền cho chính các bạn học sinh, sinh viên chấp hành giao thông. Còn tại các trường THCS và tiểu học, việc bảo đảm an toàn trật tự giao thông tại cổng trường sẽ do đoàn viên và đội trật tự, công an khu vực đảm nhiệm. Với những điểm ùn tắc giao thông trước cổng trường, tùy từng khu vực cụ thể sẽ có phương án phân luồng tránh ùn ứ giao thông; trong đó công tác tuyên truyền, vận động sẽ triển khai sớm đầu năm học và làm thường xuyên. Thành Đoàn có đội trật tự an toàn giao thông tình nguyện với 120 thành viên, lực lượng này sẽ tăng cường đến các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm theo sự phân công của lực lượng cảnh sát giao thông. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Trưởng Ban quản lý Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang tiến hành lao dầm với tiến độ 3 phiến/ngày. Trong quá trình thi công, tại mỗi chân cột đều có rào chắn, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của các phương tiện do lòng đường thu hẹp. Chúng tôi hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động đến môi trường, trật tự an toàn giao thông. Chính vì vậy, công tác lao dầm hiện chúng tôi thực hiện ban đêm bắt đầu từ 22 giờ. Thi công xong đến đâu sẽ hoàn trả mặt bằng đến đó và mong có sự thông cảm từ nhân dân. Chúng tôi sẽ yêu cầu sớm đẩy nhanh tiến độ công trình để tuyến đường sắt này sớm đưa vào sử dụng. |
Tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng trong dịp đầu tháng 9 còn liên quan đến việc dựng rào chắn thi công một số công trình giao thông trọng điểm tại một số tuyến đường cửa ngõ thành phố. Dù đã qua chục ngày phân luồng tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy để phục vụ thi công nhà ga số 6 và số 7, thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng tuyến đường này vẫn xảy ra cảnh ùn ứ vào giờ cao điểm. Chị Thu Anh, người dân trên tuyến đường này cho biết: “Giờ cao điểm, ô tô vẫn được đi vào làn đường rào chắn. Tùy tình hình thực tế, lực lượng chức năng sẽ điều phối đi vào các đường xung quanh”.
Tuy nhiên, việc chắn rào và thực hiện phân luồng tại tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy lại khiến các tuyến đường trong khu vực liên tục xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Theo đội trật tự phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), do tuyến đường Xuân Thủy rào chắn cho thi công đường sắt nên nhiều phương tiện đã đi vào tuyến đường Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, khiến nút giao thông này luôn ùn tắc nghiêm trọng cho dù luôn có sự hỗ trợ của 3 - 4 thành viên đội trật tự phường và công an khu vực.
Anh Bùi Văn Thanh, phường Quan Hoa, Cầu Giấy khẳng định: Việc cấm ô tô tại tuyến đường Xuân Thủy vừa qua cho thấy cơ quan chức năng chưa đưa giải pháp hợp lý, quá ưu ái nhà thầu và đẩy người dân vào vị trí gánh chịu hậu quả. Xây dựng công trình công cộng là chủ trương cần thiết, nhưng quá trình thi công cần giảm thiểu tối đa yếu tố ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông, yếu tố dân sinh.
Cùng với đó là tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi cũng xảy ra ùn ứ tại cửa ngõ Tây Nam do lòng đường cũng bị rào chắn thu hẹp để phục vụ thi công công trình đường sắt trên cao. Do đó, vào các giờ cao điểm, mật độ lưu lượng tham gia giao thông tăng cao dẫn đến ùn tắc giao thông.
Theo thống kê, sau thành công giảm ùn tắc giao thông năm 2013 bằng việc đưa vào các cầu vượt, số điểm đen giao thông Hà Nội giảm còn khoảng 50 điểm. Tuy nhiên trong đầu tháng 9, con số này đã gia tăng khi một loạt rào chắn đường dựng lên ở nhiều tuyến đường cửa ngõ, vành đai như Xuân Thủy - Cầu Giấy, Trần Phú (Hà Đông) và tuyến đường nút thắt cổ chai hoặc đang thi công dang dở như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn…
Sớm có điều phối giao thông tổng thể
Tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng trường đang gia tăng thời gian gần đây chủ yếu là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông với mong muốn “tiện cho mình nhưng vô tình lại gây cản trở đến giao thông công cộng”, thầy Hoàng Trung Tuấn, cố vấn Đoàn trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) nhận xét.
Theo thầy Hoàng Trung Tuấn, từ thực tế công tác giáo dục cho thấy, lứa tuổi học trò vi phạm an toàn giao thông phần lớn do phụ huynh “tiếp tay”, hoặc tâm lý lứa tuổi chưa được định hướng dẫn đến nhiều vi phạm.
Trên cơ sở thực tế phát sinh, Sở Giáo dục Đào tạo và Thành Đoàn Hà Nội đã triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông; trong đó triển khai quy định về an toàn giao thông tới từng phụ huynh và học sinh; lập chương trình kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ về văn hóa giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), để tránh xảy ra tình trạng ùn tắc, các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường Xuân Thủy - Cầu Giấy; Trần Phú (Hà Đông) bố trí lực lượng tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa và linh hoạt, tạo điều kiện cho phương tiện của người dân, cơ quan, đơn vị đi lại trong khu vực cấm. Các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có các biện pháp hướng dẫn, phân luồng giao thông cho phù hợp. Nhà thầu trong quá trình thi công phải bố trí đầy đủ biển báo, đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng, người hướng dẫn giao thông… Khi thi công xong phải hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở GTVT, cảnh sát giao thông bố trí lực lượng điều tiết trên các trục đường phân luồng. Các nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị phải bố trí đầy đủ đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng và lực lượng phân luồng tại khu vực công trường. Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, nếu nhà thầu nào không chấp hành tốt các biện pháp bảo đảm ATGT sẽ xử phạt nặng.
Thời gian tới, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, để có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp. Bên cạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, Thành phố đang triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể như: Tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường kết hợp xử lý xung đột tại các nút giao; triển khai dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt hệ thống camera theo dõi tại các nút giao thông; tổ chức các cặp đường giao thông một chiều…
Xuân Minh - Ngọc Bích