Cần trang bị cho trẻ kỹ năng bơi để phòng tránh đuối nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
|
Cụ thể, có 13/17 huyện, thị xã, thành phố tại Gia Lai xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước. Các địa phương có nhiều trẻ em đuối nước là Ia Grai (8 trẻ em), Chư Pưh (6 trẻ em), Chư Păh (5 trẻ em)… Các em bị đuối nước chủ yếu tại các ao, hồ, hố đào chứa nước tưới tiêu và ở các con sông, suối. Đáng lưu ý, tại hầu hết các địa điểm các em bị đuối nước đều không có biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nước sâu, nguy hiểm.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Lê Văn Thành nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số trẻ em tử vong do đuối nước gia tăng trên địa bàn tỉnh là do công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em hiện chủ yếu vẫn tập trung ở các giải pháp tuyên truyền, vận động; các địa phương chưa chấp hành nghiêm việc triển khai ký cam kết của các chủ ao, hồ… với chính quyền địa phương cũng như chưa làm biển cảnh báo, rào chắn nơi nước sâu để ngăn chặn tình trạng đuối nước xảy ra. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi cho trẻ em cũng như đa số trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Ông Lê Văn Thành cho biết, trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đối với các chủ ao, hồ... phải thực hiện nghiêm việc cắm biển báo, rào chắn nơi có nước sâu; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định an toàn để xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước. Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tăng cường mở các lớp dạy bơi cho trẻ, huấn luyện kỹ năng cứu đuối nước cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.