Việc gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc đã và đang được các địa phương quan tâm triển khai, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho đồng bằng châu thổ.
Nâng cao đời sống
Thông tin từ Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chăm lo, đầu tư hỗ trợ, cùng với đó là sư nỗ lực của từng địa phương và nên kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có bước phát triển khá. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc từng bước phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc: Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long với 423.830 người, chiếm gần 35% dân số toàn tỉnh, trong đó đông nhất là người Khmer. Tỉnh triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Sóc Trăng lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình, dự án có liên quan như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, các khóm (ấp) có điện lưới quốc gia. Tất cả các xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 99,6%. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ đồng bào Khmer nghèo ở Sóc Trăng giảm từ 42,92% năm 2001 xuống còn 7,01% trên tổng số hộ Khmer.
Ông Kim Suôl (dân tộc Khmer) - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, ông cùng các hội viên nông dân luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể, tích cực phát triển sản xuất, trồng lúa chất lượng cao. Ông được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn của Hội nông dân, được hướng dẫn biện pháp canh tác tăng năng suất lúa. Ông còn tham gia cùng các cán bộ khoa học thử nghiệm canh tác, chọn giống lúa chất lượng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, góp phần tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đưa Viên Bình trở thành xã nông thôn mới nâng cao.
Thành phố Cần Thơ có 25 dân tộc thiểu số, chiếm 2,53 % tổng số dân, trong đó đông nhất là đồng bào Khmer. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cùng với xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Cần Thơ. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 1,14% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số của thành phố. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ này còn 0,38%.
Gắn kết phát triển sinh kế với bảo tồn văn hóa dân tộc
Báo cáo từ Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) cho thấy cùng với phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc đang được gìn giữ, phát huy hiệu quả.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, địa hình sông nước thơ mộng, kết hợp với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực sông, suối, vườn cây ăn trái có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển các loại cây dược liệu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, đồng thời gắn kết với bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Tố Quyên (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự, nhìn từ việc phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh An Giang từ đó đưa vào phát triển du lịch, có thể thấy rõ sự gắn kết giữa các mô hình kinh tế, dịch vụ gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa. Đó là, hoạt động du lịch tại các hộ dân tộc thiểu số Khmer như tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, dự các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo như lễ Chol Chnam Thmay, lễ hội đua bò, thưởng thức các đặc sản bánh bò thốt nốt, gà đốt ô thum... Các hộ dân tộc thiểu số là người Chăm ở An Giang phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở các làng nghề Châu Phong, Châu Giang, Đa Phước; đưa du khách đến trải nghiệm các lễ hội truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm như Tháng nhịn ăn Ramadan, Lễ Roya – Tết dân tộc, thưởng thức món tung lò mò, cơm nị cà ri...
Theo Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ: Đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Cần Thơ quan tâm. Các dự án quốc gia, Chương trình 134, 135 của Chính phủ, những quan tâm của thành phố trong việc hỗ trợ nhà, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn làm thay đổi nhanh chóng diện mạo các ấp, xã, góp phần làm cho đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, gìn giữ những nét văn hóa trong đời sống của đồng bào luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị... Vừa qua, Trai đường Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã được khánh thành tại quận Ô Môn (Cần Thơ). Việc xây dựng và hoàn thành công trình này thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Trung ương Giáo hội, các tăng ni, cư sĩ, phật tử, các nhà hảo tâm, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer... Ngoài chức năng đào tạo, Học viện còn tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như Lễ Dâng y Kathina, Lễ nhập hạ, Lễ Phật đản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn những nét văn hóa của đồng bào Khmer.
Tăng cường gắn kết giữa phát triển các mô hình sinh kế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một số chuyên gia, nhà quản lý cũng đề xuất cần khuyến khích các dự án khởi nghiệp, xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với lợi thế của địa phương. Các cấp, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch; có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ thuế cho danh nghiệp khi đến đầu tư và phát triển du lịch ở vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích hộ dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm du lịch dựa trên bản sắc văn hóa địa phương.
Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu - những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể theo hướng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động lữ hành, phát triển du lịch. Các địa phương tăng cường thúc đẩy các hoạt động kết nối du lịch xuyên biên giới với các địa phương ở Campuchia thông qua tuyến Cần Thơ-Siem Reap, Cần Thơ-Phnom Penh (Campuchia), đưa văn hóa trở thành đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, các tỉnh, thành trong vùng nói chung.