Mục sư cho biết: “Tôn chỉ của chúng tôi là sống Phúc âm và Đồng hành cùng dân tộc, tuân thủ các quy định của pháp luật, sống yêu thương và giúp đỡ mọi người. Một trong những hoạt động của chúng tôi là tư vấn và giúp đỡ cho những người có quá khứ nghiện ma túy với một mong ước, một nguyện vọng đó là cứu được phần thiện còn ít ỏi sót lại trong những người từng có quá khứ nghiện ma túy, với hy vọng họ có thể tìm được đường về cho chính cuộc đời của mình”.
Theo mục sư Hoàng Việt Anh, thực tế, Trung tâm chưa có đủ điều kiện để hoạt động cai nghiện ma túy, nên hiện tại đang tập trung vào công tác tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ những người có quá khứ nghiện ma túy, để hỗ trợ sau cai nghiện, giúp họ không tái sử dụng ma túy khi trở về hòa nhập với cộng đồng. “Trong thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cùng các cơ quan hữu quan hướng dẫn cho chúng tôi để thực hiện những bước cần thiết cho công việc này. Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết đó để giúp đỡ hiệu quả hơn nữa cho những người có quá khứ nghiện ma túy” - mục sư Việt Anh nói.
Nhằm tạo điều kiện hơn cho anh em sinh hoạt tại Trung tâm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) định kỳ tổ chức tư vấn khám chữa bệnh cho anh em, đảm bảo sức khỏe, giúp họ yên tâm học tập, rèn luyện tại Trung tâm.
Trung tâm còn phối hợp với chính quyền, Đoàn Thanh niên xã để tham gia các công tác tình nguyện cho cộng đồng. Dự kiến sắp tới, Trung tâm sẽ cùng với chính quyền địa phương tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện, chia sẻ, tư vấn kinh nghiệm về tác hại của ma túy, nhằm phòng chống ma túy cho giới trẻ tại địa phương.
Đánh giá cao sự phối hợp trong công tác tình nguyện của Trung tâm Đời sống mới, anh Nguyễn Quang Ba (Bí thư Đoàn xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhận xét: Các thành viên ở Trung tâm rất nhiệt tình trong nhiều hoạt động của địa phương như: Trồng cây xanh, trồng đường hoa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, giao lưu thể thao, bóng đá… Thời gian tới, Đoàn xã dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả cùng Trung tâm triển khai nhiều chương trình giao lưu, thiện nguyện.
Nói về những ngày đầu khi Trung tâm mới hoạt động tại thôn Thắng Đầu (xã Hòa Thạch), Bí thư Chi bộ thôn Thắng Đầu Tạ Văn Luận cho biết: Lúc đầu, người dân trong thôn không đồng tình, không ủng hộ khi có một Trung tâm tập trung nhiều người nghiện ma túy đóng trên địa bàn thôn, bởi người dân e ngại những người nghiện khi đến đây sẽ làm ảnh hưởng đến con cháu của họ. Nhưng sau một thời gian hoạt động, người dân trong thôn đều thấy Trung tâm chấp hành tốt quy định đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thôn. Bên cạnh đó, các thành viên ở Trung tâm nhiệt tình cùng thôn tham gia nhiều hoạt động xã hội như hỗ trợ nhân lực và vật lực để làm đèn ông sao tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong dịp Trung thu, tích cực tham gia vào các sự kiện văn hóa, xã hội khác… Vì vậy, người dân trong thôn cũng dần dần ghi nhận những đóng góp của Trung tâm, ghi nhận Trung tâm đã chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, an ninh chính trị tại địa phương.
Từ ngày 1/1/2022, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Tại Điều 3, khoản 6 của Luật này có quy định: “khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy”. Với những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, Luật phòng, chống ma túy được trông đợi sẽ tạo nên những nguồn lực mới, gỡ nút thắt xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy.
Trên thực tế, tỷ lệ tái nghiện ma túy ngoài cộng đồng luôn ở mức cao, trong khi tại hầu hết các địa phương đều chưa huy động và phát huy được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy… những hoạt động hỗ trợ người sau cai nghiện như tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới là một trong những gợi mở để các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu kinh nghiệm tại đây.
Những người cai nghiện ma túy, sau khi không sử dụng ma túy nữa, họ vẫn cần một thời gian nhất định để tạo dựng niềm tin và được dẫn dắt bước đi trong sự tin tưởng đó mới có khả năng tự “phòng thủ” trước cám dỗ của ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng. Tùy vào từng người, thời gian dẫn dắt đó có thể dài, có thể ngắn, nhưng điều quan trọng là đủ thời gian để họ chắc chắn và yên tâm, tin tưởng vào con đường mình đang đi là đúng đắn, là sẽ giúp họ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Niềm tin ở đây có thể được tạo dựng từ nhiều nguồn: từ một người đi trước làm tấm gương, từ niềm tin của bất kỳ tôn giáo nào hay từ những triết lý hữu ích của cuộc sống… nhưng đều chung một mục đích là hướng thiện, động viên, chia sẻ và giúp đỡ những người đã từng lầm đường lạc lối. Niềm tin đó giúp những người sau cai được cởi trói về tâm tưởng, được an ủi, được đồng cảm, được dẫn dắt và nhìn nhận rõ đâu là đúng, đâu là sai.
Nhà giáo Nguyễn Tường Lan (chuyên gia giảng dạy kỹ năng sống) cho rằng, người nghiện ma túy khi được giải phóng, không chỉ là thoát khỏi ma túy mà còn là khôi phục tâm trí cho họ. Họ cần nhận thức rõ về con đường sai lầm mà họ đã đi để có cách đi khác, hướng thiện hơn. Họ cần được xây dựng niềm tin, ổn định tính cách thông qua việc trang bị kỹ năng sống, học cách xử lý tình huống xung đột, xử lý cảm xúc cá nhân với mọi người, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý mối quan hệ trong giao tiếp một cách khiêm nhường, tôn trọng lẫn nhau… Từ đó, hình thành và ổn định tính cách khi quay trở lại cộng đồng, đối mặt với những khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ thường trực của ma túy, trở thành người có ích cho xã hội.
Dẫu rằng con đường trở về với cộng đồng đó còn nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy, nhưng khi vượt qua rồi sẽ thấy giá trị đích thực của cuộc sống mà họ đang hướng tới. Với những người như Nguyễn Việt Dũng, niềm vui của anh hiện nay khác với niềm vui của nhiều người. Dũng chia sẻ: “Người ta thường vui khi họ có nhiều tiền, khi được thăng quan tiến chức, khi được tham gia các sự kiện đình đám… Tôi có niềm vui rất đơn giản, chỉ mong sao giúp đỡ được ngày càng nhiều người có cùng hoàn cảnh giống như tôi trước đây, giúp họ thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian bởi ma túy. Tôi mong muốn được tham gia chia sẻ cho những thanh niên mới lớn về câu chuyện của cuộc đời tôi, trao đổi kinh nghiệm của bản thân đối với bia rượu, thuốc lá, ma túy, mại dâm... Tôi mong sao thế hệ trẻ sau tôi, không ai vấp phải cảnh ngộ giống như tôi, những gia đình trong xã hội này sẽ không phải khốn khổ giống như gia đình của tôi cách đây hơn mười năm. Chia sẻ, gánh vác cùng những người chung cảnh ngộ chính là động lực để tôi tiếp tục bước đi và hy vọng về tương lai tươi sáng”.