Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 3: Cùng giúp nhau thay đổi

Tận mắt nhìn thấy những người cùng cảnh trước đây "thân tàn ma dại" mà giờ đi đứng chững chạc, ăn nói lễ độ, béo tốt hồng hào, ân cần chăm sóc người khác… bà Vũ Thị Lập (mẹ Nguyễn Việt Dũng) cảm thấy mình như "chết đuối vớ được cọc".

Chú thích ảnh
Trung tâm cơ đốc Đời sống mới.

Bà chủ động đến Trung tâm cơ đốc Đời sống mới để tìm hiểu. Đây là Trung tâm thuộc Hội Thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, đã được Ban Tôn giáo Chính phủ cấp giấy phép sinh hoạt tôn giáo. Trung tâm cơ đốc Đời sống mới đã được UBND xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo.

Ấn tượng đầu tiên với bà Lập khi lên Trung tâm là một khu nhà tuềnh toàng, nghèo nàn, đơn sơ. Trung tâm không có bảo vệ, cổng lúc nào cũng mở và tường rào không có dây thép gai hay mảnh thủy tinh cắm lên để ngăn người nghiện vượt rào, trốn về. 

Nhưng tới khi tiếp xúc với những người đang ở Trung tâm, bà Lập thấy họ chân tình, cởi mở và đặc biệt là rất quan tâm chăm sóc, vui vẻ, yêu thương nhau như trong một nhà. Những người đã chiến thắng được ma túy tình nguyện ở lại để giúp đỡ, đồng cảm và gây dựng niềm tin với những người đến sau. Chẳng họ hàng thân thích, chẳng mối quan hệ bạn bè quen biết trước đó, người lạ cũng như người quen… những người ở đây đều xắn tay áo lên chăm sóc, xoa bóp, giặt giũ và giúp đỡ những trường hợp không tự vệ sinh cá nhân được. Hàng ngày,  các thành viên tại Trung tâm lập thời gian biểu sinh hoạt có giờ giấc khoa học, tập luyện thể thao, luyện tập các bài học về kỹ năng sống, đọc và nghe theo lời răn dạy của Chúa để nhận thức lỗi lầm trước đây của mình, sống tốt đời đẹp đạo, tự giác thay đổi để trở thành người lương thiện, dứt bỏ ma túy. Qua lời dạy trong Kinh Thánh,  người đi trước giúp người đi sau hiểu và nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống, đạo lý làm người, kinh nghiệm đối mặt với những tệ nạn xã hội. Họ dùng sự chân thành để cảm hóa, chăm sóc, nâng giấc cho người đi sau, khơi gợi hy vọng sống của mỗi người còn đang "lầm đường lạc lối", sống một cuộc sống bình an, phước hạnh. Bằng mô hình này, những người đi sau thấy được sự thành công của người đi trước, thấy được những "nhân chứng sống" là nguồn động lực để họ yên tâm, vững tin vào con đường phía trước. Bản thân những  người đi trước, dù đã khỏe mạnh và quên đi những cám dỗ của ma túy, nhưng khi nhìn lại những người hiện tại, họ như được nhắc lại cảnh tàn tạ của mình trước đây mà thêm ý chí quyết tâm đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy. Kinh nghiệm của những người đi trước cũng là cơ hội để những người đến sau học hỏi và tự thích ứng cho bản thân.

Mong muốn con mình cũng sẽ được thay đổi, được trưởng thành như các  trường hợp khác trong Trung tâm, bà Lập đã quyết tâm đưa Nguyễn Việt Dũng lên Trung tâm để học tập, rèn luyện. Với "thâm niên" 14 năm nghiện ma túy, cuộc chiến với cơn nghiện ma túy của Dũng không dễ dàng gì.

Trong hoàn cảnh các Trung tâm cai nghiện và bệnh viện trả về, gia đình đã chuẩn bị hết "hậu sự" cho mình, Nguyễn Việt Dũng chỉ còn một con đường duy nhất là lên Trung tâm cơ đốc Đời sống mới. Ngày đầu lên Trung tâm, Dũng luôn giữ cho mình tư tưởng "phòng thủ", thăm dò và không mở lòng. Dũng cười và nhớ lại: "Từ hồi còn nhỏ, tôi đã va chạm và sống trong môi trường lưu manh, lừa đảo, lợi dụng, bất chấp tất cả để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Khi lên Trung tâm, mặc dù đã được nghe mẹ kể lại nhưng tôi vẫn bất ngờ bởi sự nồng hậu của thành viên sống ở Trung tâm. Tôi thấy nhiều người tốt với mình quá. Tôi tự hỏi, tại sao mình bị nhiễm HIV như thế này, mà người ta lại sẵn sàng đến giúp đỡ, chăm sóc, động viên mình. Sau vài tháng ở Trung tâm, thực sự tôi mới cảm nhận được hết tình thương yêu của những  thành viên tại đây đã dành cho mình. Đó là một tình cảm rất thật, không giả dối, không lợi dụng, không toan tính. Tìm hiểu kỹ, tôi được biết, những người này trước khi lên Trung tâm, họ cũng giống như tôi và họ cũng được những người đi trước chăm sóc họ như vậy. Và bây giờ, khi đã thành công, như để cảm ơn Chúa, trả ơn đời, họ tình nguyện ở lại để giúp đỡ những người mới như tôi".

Ngày mới lên Trung tâm, căn bệnh HIV của Dũng đang ở giai đoạn cuối, bệnh cơ hội khi đó là lao màng não bắt đầu phát tác làm Dũng bị liệt hai chân. Lên Trung tâm trong cảnh không tự phục vụ bản thân được, hàng ngày Dũng phải nhờ người giúp đỡ vệ sinh cá nhân, tắm rửa, tiêm thuốc điều trị lao màng não theo phác đồ của bệnh viện… Dần dần, Dũng tự phục hồi được, tự đánh răng rửa mặt, tự đi lại, ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc, tăng cân. "Chính tình yêu, sự tốt lành nơi đây đã giải thoát cho tôi khỏi "bóng ma" heroin, cho tôi trở lại làm người!" - Dũng nói, ánh mắt rạng ngời niềm vui.

Bị nhiễm HIV cùng thời điểm giống Dũng, Hoàng Việt Anh lên Trung tâm cơ đốc Đời sống mới với tình trạng đi phải có người dìu, nằm yên một góc giường trong 6 tháng, bị nấm ăn toàn thân, cổ nổi nhiều hạch, mặt và chân tay bị phù, tích nước, bị áp-xe nách, lao phổi kháng thuốc... Sức khỏe kiệt quệ như vậy khiến tinh thần của Việt Anh lúc đó rất chán nản và nghĩ rằng mình không thể vượt qua nổi, giờ chỉ buông xuôi chờ đến ngày "ra đi".

Mặc dù có kinh nghiệm chăm sóc người bị nhiễm HIV nhiều năm, nhưng  những người ở Trung tâm chưa bao giờ chứng kiến một người giai đoạn cuối HIV trong tình trạng nặng như vậy. Nguyễn Việt Dũng miêu tả: "Hồi đó, chúng tôi thường trêu Việt Anh là đi kiểu một bước tiến, hai bước lùi, sức khỏe rất yếu. Việt Anh chỉ nằm một chỗ, không đủ sức rời khỏi góc phản đó. Nấm ăn khắp người Việt Anh nên ngứa, cậu ấy càng gãi, các vảy nấm càng rơi đầy. Nặng vậy nhưng mọi người vẫn quyết tâm giúp sức, mỗi người một việc: mang thức ăn đến giường cho ăn, vệ sinh cá nhân, dìu tập đi… Hàng ngày chúng tôi đều cùng nhau cầu nguyện, xin Chúa phục hồi giúp cho Việt Anh".

Và rồi, không phụ tấm lòng chân tình, sức khỏe của Việt Anh dần dần được ổn định, tự đi lại được, phẫu thuật hạch cổ thành công, da hết nấm, các căn bệnh dần được kiểm soát và trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Những giây phút thư giãn tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới. 

Mỗi người khi lên Trung tâm lại có những vấn đề nan giải khác nhau. Dũng và Việt Anh phải đối mặt với tình trạng sức khỏe yếu, anh Tạ Phú Cường và Nguyễn Xuân Thành phải "chiến đấu" với "thói" đòi về nhà liên tục khi "nỗi nhớ" ma túy trỗi dậy. Không được cho về thì tự bỏ về, trốn về. Anh Tạ Phú Cường lần đầu lên Trung tâm được 10 ngày đã bỏ về vì thèm ma túy. Ra khỏi Trung tâm là lập tức tìm mua ma túy về sử dụng. Lần thứ 2 lên Trung tâm, Cường cũng chỉ kéo dài được tới 20 ngày rồi lại bỏ về. Lần thứ 3 lên Trung tâm, anh dần thay đổi, thời gian trước đây ngồi nói tục chửi bậy, ngồi hút thuốc lào, thuốc lá, nay anh thay bằng việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. "Kiên trì trong 4 tháng, tôi đã bỏ được hẳn thuốc lào, thuốc lá, cuộc sống thấy thoải mái, khỏe mạnh và đặc biệt là không muốn về nhà nữa" - Anh Cường cười, chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp chương trình rèn luyện tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới, anh Cường đã trở về quê ở Quảng Ninh, mở chi nhánh Trung tâm Đời sống mới tại Vân Đồn để giúp đỡ những anh em cùng cảnh ngộ.

Anh Tạ Phú Cường chỉ "quá tam ba bận" là đã ổn định ở lại Trung tâm để học tập, rèn luyện. Nhưng với Nguyễn Xuân Thành là cả một câu chuyện dài, nổi tiếng ở Trung tâm qua hết thế hệ này đến thế hệ khác. Với ngót nghét 30 lần bỏ về, trốn khỏi Trung tâm trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại đây, Thành được mọi người thường xuyên nhắc đến với cái tên thân thuộc: Thành "trốn". Nghiện ma túy đá nên khi mới lên Trung tâm, Thành vẫn luôn bị ảo giác. Lúc nào cũng tìm cách tự hủy hoại mình và cảm thấy có người săn đuổi mình nên thường xuyên tìm cách trốn khỏi Trung tâm. Lần trèo tường, lần dỡ ngói trèo lên mái, lần thì tranh thủ buổi trưa lẻn ra khỏi Trung tâm… nhưng sau đó Thành lại đều được gia đình tìm cách đưa trở lại Trung tâm.

Thành thở dài, ngao ngán: "Tôi nhớ nhất lần cuối cùng là vào Tết năm 2016, khi nhìn thấy cảnh gia đình người khác ăn Tết đầm ấm đầy đủ vợ chồng, con cái, còn mình lang thang ngoài đường, cầu bơ cầu bất, gia đình tan hoang. Tôi thấy con gái của mình quá khốn khổ và bất hạnh. Khi đó, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ là chỉ có lên Trung tâm, tôi mới dứt bỏ hoàn toàn ma túy. Và tôi quyết định đi bộ từ phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lên Trung tâm ngay trong đêm hôm đó. Tôi quyết tâm học tập và rèn luyện tại Trung tâm với ý niệm: Tôi muốn được làm người và muốn từ bỏ ma túy. Tôi đã thành công và ở lại đây đến tận bây giờ".

Chứng kiến sự trưởng thành của những người con nghiện ngập của mình, những người mẹ như vỡ òa trong hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ có được. Nếu như trước đây, khi con còn bị nghiện, bà Vũ Thị Lập không dám gặp ai, tự bản thân cảm thấy cô độc, tủi nhục, xấu hổ, đi đâu cũng phải giấu giếm không dám nhắc đến Dũng… nay mọi thứ đã khác với bà. "Tôi vui lắm, mừng lắm. Khi Dũng thay đổi, cả gia đình tôi được hồi sinh. Giờ đi đâu, tôi cũng muốn khoe với mọi người rằng con mình đã thoát khỏi bóng tối của ma túy. Tôi khoe ra như vậy với mong muốn những mảnh đời như con của tôi được thay đổi, cũng được giải thoát" - bà Lập phấn khởi nói, khuôn mặt bà bừng sáng với nụ cười rạng rỡ.

Bài 4: Hồi sinh

Bài, ảnh: Kim Anh (TTXVN)
Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 2: Nỗi đau cùng cực
Đường về của những mảnh đời lầm lạc - Bài 2: Nỗi đau cùng cực

"Quãng đường người mẹ bước đi theo đứa con bị nghiện không bao giờ quên được. Từ chi tiết nhỏ nhất, tôi cũng không thể nào quên được, nó ăn sâu vào trí não, đến nỗi bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rùng mình bởi sự tàn phá khủng khiếp của nó" - bà Vũ Thị Lập (sinh năm 1951, ở Cầu Giấy, Hà Nội, mẹ của Nguyễn Việt Dũng) mở đầu câu chuyện kể về hành trình cùng con cai nghiện ma túy với sự ám ảnh, thảng thốt còn đọng trên khuôn mặt phúc hậu của bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN