Xử lý ít
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng tính đến cuối tháng 2/2017, cả nước còn 6 tỉnh chưa có báo cáo về việc thành lập đường dây nóng là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hậu Giang. Các tỉnh đã lập đường dây nóng đều chưa có báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh ở địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai.
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.
|
Trong 2 năm 2015 - 2016, Tổng cục đã tiếp nhận 2.556 trường hợp phản ánh qua đường dây nóng, đơn thư, email và qua báo chí… Trong đó, có 682 trường hợp phản ánh rõ nội dung sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, có địa chỉ cụ thể, đã được Tổng cục đã chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền của địa phương giải quyết theo quy định tại khoản 5, Điều 199 của Luật Đất đai và báo cáo kết quả về Tổng cục… Thế nhưng đến nay, mới có 259/682 trường hợp có báo cáo phản hồi (chiếm 37,98 %); trong đó, có 110 trường hợp đã giải quyết xong; 149 trường hợp còn đang giải quyết; còn 423 trường hợp chưa có báo cáo kết quả giải quyết.
Kết quả kiểm tra của Tổng cục tại một số địa phương cho thấy, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin ở một số địa phương còn thấp. Cụ thể, số lượng thông tin tiếp nhận ít; việc giải quyết thông tin phản ánh còn chậm; cơ quan tiếp nhận thông tin không nắm được tình hình, kết quả giải quyết.
Nguyên nhân một phần do cơ quan tiếp nhận thông tin ở địa phương không có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin; khi chuyển thông tin cho cơ quan liên quan giải quyết không yêu cầu báo cáo phản hồi kết quả và không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết; cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại khoản 5, Điều 199 của Luật Đất đai.
Sẽ công khai địa phương không giải quyết từ 1/4
Để nâng cao hiệu quả xử lý các vi phạm pháp luật đất đai theo phản ánh của người dân, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị các Sở TN&MT chưa công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật đất đai, cần thực hiện ngay việc công bố đường dây nóng để người dân biết.
Đối với các Sở đã công bố đường dây nóng mà lượng thông tin tiếp nhận còn hạn chế, cần thông báo lại cho người dân biết; đồng thời, rà soát, đánh giá và kiện toàn lại việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phẩn ánh để nâng cao hiệu quả xử lý thông tin.
Đặc biệt, cơ quan lập đường dây nóng phải có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh và phải thường xuyên theo dõi việc giải quyết và tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết thông tin.