Tính đến tháng 7/2024, Việt Nam đã có hơn 2.000 km đường bộ cao tốc, đến ngày 31/12/2025 chúng ta phấn đấu xây dựng thêm 3.000 km nữa và dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành tổng cộng 5.000 km, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm của đất nước, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông…
Hệ thống đường cao tốc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các vùng miền và cả nước. Con người, vật nuôi, hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn cùng với việc giảm thiểu rủi ro và chi phí vận hành, chất lượng dịch vụ xã hội được nâng cao, các lĩnh vực du lịch – văn hóa có nhiều hơn cơ hội để lan tỏa…
Đường cao tốc cho phép dòng xe ô tô lưu thông thông suốt vì không có sự giao cắt đồng mức với các tuyến đường bộ khác cũng như đường sắt, không đi chung với xe máy, xe đạp và các phương tiện giao thông thô sơ. Bởi vậy các tài xế rất yên tâm khi lái xe trên đường cao tốc.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công an, do hạn chế về nguồn vốn nên trong hệ thống cao tốc đường bộ của nước ta vẫn còn 7 tuyến chưa đạt chuẩn an toàn - không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không bảo đảm hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế. Đó là các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm…
Bộ Công an đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình cụ thể về việc nâng cấp, cải tạo 7 tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chính thức về đường cao tốc.
Ngày 28/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 27/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc.
Công điện nêu rõ: Việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc là rất cần thiết và cấp bách. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ (nhất là các tuyến đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ…).
Bên cạnh đó, dư luận xã hội mong muốn “văn hóa giao thông cao tốc” cũng sớm được “chuẩn hóa”. Thực tế cho thấy rằng ý thức, kỹ năng và thói quen điều khiển phương tiện giao thông của những người ngồi sau vô lăng ở Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông vận tải.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 trên cả nước đã xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người.
Riêng trên các tuyến đường cao tốc trong 3 tháng đầu năm đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với 10 người tử vong, hàng chục người bị thương.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường cao tốc, luật pháp nước ta không nương nhẹ đối với các hành vi vi phạm của người lái xe. Hành vi dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; quay đầu xe bị phạt từ 10-12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; hành vi điều khiển xe đi ngược chiều, lùi xe (trừ các xe ưu tiên) sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 5-7 tháng, bị phạt từ 16-18 triệu đồng; các hành vi không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường mà không có tín hiệu báo trước bị phạt từ 4-6 triệu đồng…
Mặc dù vậy, sự nghiêm khắc của pháp luật dường như chưa hoàn toàn thắng được sức ỳ trong ý thức và thói quen của những người điều khiển phương tiện cơ giới sau khi họ đã "đánh lái" lên đường cao tốc.
Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, các tài xế ở nước ta vẫn mắc nhiều lỗi chủ quan ngay cả khi lái xe trên đường cao tốc – tuyến đường đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa vì các phương tiện được phép chạy nhanh hơn so với các tuyến đường bộ bình thường. Phổ biến nhất là dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; không có dụng cụ báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ phương tiện giao thông trên đường không đúng nơi quy định; quay đầu xe; đi ngược chiều, lùi xe, bám làn có tốc độ cao nhất mặc dù chạy chậm, không chuyển làn đúng quy định khi chuẩn bị rẽ, không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy trước...
Trở lại vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hy hữu vào ngày 11/7 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, xe khách 16 chỗ đâm vào phía sau xe bán tải. Hai tài xế dừng phương tiện giao thông ở ngay làn có tốc độ 120km/h, xuống đường tranh luận về việc ai có lỗi. Khoảng ba phút sau, chiếc xe 7 chỗ lao tới, đâm vào phía sau xe 16 chỗ khiến tài xế xe bán tải và tài xế xe 16 chỗ tử vong, 9 người khác bị thương.
Ngoài lỗi của tài xế xe 7 chỗ là thiếu chú ý quan sát, không là chủ tốc độ thì tài xế xe bán tải và tài xế xe 16 chỗ mắc nhiều lỗi rất sơ đẳng khiến họ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.
Công ty Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết: Theo quy định, khi xe lưu thông trên cao tốc, nếu gặp sự cố thì lái xe cần bật ngay đèn khẩn cấp, nhìn kính hậu thấy an toàn mới xuống đường đặt vật cảnh báo ở cách xe tối thiểu 150 m. Nếu xe không bị hư hỏng nặng thì chụp ảnh hiện trường, đánh dấu 4 bánh xe và tìm cách dời xe vào làn khẩn cấp. Còn trong trường hợp xe hỏng nặng không thể di chuyển thì lái xe phải đặt vật cảnh báo, sau đó bản thân lái xe và những người ngồi trong xe phải đi khỏi làn đường xe chạy của cao tốc, gọi điện đến đường dây nóng của đội tuần đường (số 19006989). Số điện thoại này được công khai từ khi cao tốc đi vào hoạt động và có trên hàng loạt biển báo dọc đường.
Tuy nhiên, công ty quản lý cao tốc nhận thấy, hai lái xe gây ra vụ va chạm, đặc biệt là tài xế xe 16 chỗ, không thực hiện bất cứ hành động nào theo quy định.