Ngày thế giới phòng, chống đuối nước 25/7:

Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi 

Ngày 23/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức tọa đàm trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước 25/7 với chủ đề “Ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống”.

Chú thích ảnh
Các em học bơi trong Lớp dạy bơi miễn phí tại Bể bơi Cung Thanh thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Đây là một trong những chuỗi hoạt động hưởng ứng Nghị quyết đầu tiên trong lịch sử của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng, chống đuối nước và năm nay cũng là năm đầu tiên Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 25/7 là Ngày thế giới phòng, chống đuối nước.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thập kỷ qua có tới 2,5 triệu người đã chết vì đuối nước, đặc biệt là trẻ em. Mỗi giờ trôi qua đuối nước cướp đi sinh mạng của 42 người, ước tính mỗi năm có khoảng 235.600 người tử vong do đuối nước trên toàn thế giới. Tỷ lệ nạn nhân là trẻ em và vị thành niên ngày càng tăng lên.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5-14 tuổi. Đuối nước để lại hậu quả nghiêm trọng và sâu sắc tới các gia đình và cộng đồng, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Ngày 28/4/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã thông qua Nghị quyết về phòng, chống đuối nước với sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, ông Kidong Park cho rằng, đây là thời điểm mang tính lịch sử trong công cuộc phòng, chống đuối nước. Nghị quyết đã chỉ ra rằng đuối nước có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; các giải pháp phòng ngừa đuối nước có liên quan đến các sáng kiến và đồng thuận trong việc đối phó với vấn đề về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Nghị quyết đã chọn ngày 25/7 hàng năm là Ngày thế giới phòng, chống đuối nước. Điều này là cơ hội tốt để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước và kêu gọi sự phối hợp đa ngành cho các giải pháp cứu sống sinh mạng người. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống đuối nước phù hợp với các can thiệp được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, nước ta đã giảm được từ 3 - 5% tỷ lệ trẻ em bị đuối nước, tương đương với khoảng 100 trẻ em nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Chú thích ảnh
Lớp dạy bơi tại Bể bơi Cung Thanh thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chia sẻ về những chính sách, hoạt động của Việt Nam để phòng, chống đuối nước trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với quan điểm bảo vệ và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đặc biệt là đuối nước trẻ em, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành tạo khuôn khổ về mặt pháp lý. Ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó có mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã xây dựng các kế hoạch, ban hành các quyết định, hỗ trợ nguồn lực, xây dựng được các mô hình và các hoạt động cụ thể để triển khai các can thiệp cho trẻ em và hướng dẫn các kỹ năng cho những người làm bố, mẹ và người chăm sóc trẻ trong phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước... Giai đoạn 2016-2020, đã có nhiều hoạt động can thiệp đồng bộ, toàn diện được tổ chức và đem lại nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Để giải quyết các hạn chế và phát huy những ưu điểm đã đạt được, thực hiện tốt các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các khuôn khổ pháp lý liên quan đến các chính sách, pháp luật trong bảo vệ trẻ em để ngày càng hoàn thiện hơn và tạo sự đồng bộ, liên thông; tăng cường giáo dục kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và chính trẻ em về các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi cho trẻ. Đồng thời, tăng cường huy động, xã hội hóa nguồn lực để có thêm nhiều mô hình, bể bơi cho trẻ em; phối hợp với các đơn vị liên quan để làm tốt hơn việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các nguy cơ nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, để trẻ em có môi trường sống an toàn và phòng chống được đuối nước thì cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng và nhà trường trong việc nâng cao các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; tăng cường về số lượng, chất lượng, kỹ năng của đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp.

Mỗi gia đình đều có thể góp phần thiết thực nhằm phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống và mọi người đều có vai trò, trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước.

Minh Huệ (TTXVN)
Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè
Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè

Mới bước vào mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nhất là liên quan đến trẻ em. Những vụ tai nạn này một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh về việc quan tâm quản lý chăm sóc, giám sát và hướng dẫn học tập, vui chơi cho con em trong dịp hè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN