Theo ông Tống Văn Lai, Cục phó Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH trên cả nước yêu cầu nắm bắt tình hình thực hiện chính sách tiền lương, thưởng tết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tỉnh nào báo cáo phản hồi.
“Năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán Canh Tý 2020 gần nhau, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ cân đối, tập trung vào thưởng Tết Nguyên đán… Do gộp thưởng nên thưởng tết không có nhiều đột biến và không cao hơn nhiều so với năm 2019”, ông Tống Văn Lai dự báo.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Thường các doanh nghiệp sẽ thưởng trên kết quả sản xuất và theo mức lương tối thiêu vùng. Mức lương tối thiểu vùng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng nên nếu có thì tăng trưởng nhẹ.
Theo văn bản cầu của Bộ gửi các Sở, chủ sử dụng lao động cần phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung thỏa thuận.
Về tiền thưởng cuối năm, cơ quan quản lý lao động tiền lương ở Trung ương yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết…
Quy định về thưởng tết, theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 cơ bản được giữ nguyên như luật cũ: “thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng Tết Dương lịch 2019 bình quân trên 1,4 triệu đồng/người; thưởng Tết Nguyên đán bình quân một tháng lương, hơn 6,3 triệu đồng/người.