Bài 1: Chuyện của Khoa “Chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội… chúng ta có thể làm được”. Những chia sẻ của Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của gần 600 thanh niên và quan chức trong nước, các tổ chức quốc tế tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế Thanh niên 12/8 mới đây.
Xã nghèo xơ xác Cuối năm 2011, “bệnh lạ” (sau này được Bộ Y tế gọi là bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) bắt đầu xuất hiện ở xã Ba Điền khiến người dân nơi đây hết sức hoang mang. Năm 2012 - thời điểm bệnh vào giai đoạn bùng phát cũng là lúc Khoa được bố trí về xã với chức danh Phó Chủ tịch theo Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Lúc này, toàn xã đã có 246 người bị bệnh, chiếm 18% dân số và số người chết trước đó là 11 người, đến năm 2013, tổng số người chết vì căn bệnh này là 24 người.
Các y, bác sỹ bệnh viện Ba Tơ khám sàng lọc bệnh viêm da bàn tay bàn chân cho nhân dân tại xã Ba Điền. Ảnh: Thanh Long/TTXVN |
“Xã nghèo xơ xác, người dân chỉ lo việc phòng bệnh, chữa bệnh, không còn chăm lo lao động sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần rơi vào khó khăn, xáo trộn. Ngay cả một số cán bộ công chức cũng bị bệnh. Một số khu dân cư trong xã xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan”, Khoa tâm sự.
Câu chuyện của Khoa khiến tôi tò mò, trong lúc dịch bệnh đang nước sôi lửa bỏng, chả lẽ Khoa không sợ bị lây bệnh?. Người dân chắc chắn không thể tin mình mà sẽ đi tìm thầy mo để cúng? Hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra nhưng Khoa chỉ cười hiền: em cũng trưởng thành từ môi trường quân đội, lại thêm “bản chất ngang tàng một tí” nên không “ngán” gì khó khăn trở ngại. Thêm nữa, em xem cách sống của một số hộ người Kinh ở đó. Trong xã có 417 hộ, thì có 10 hộ người Kinh, không ai bị dịch bệnh. Xem họ ăn gì, uống gì, sinh hoạt thế nào thì mình cũng sống như vậy.
Khoa kể về kỷ niệm khi mới chân ướt, chân ráo về xã, đó là đám tang của một người đàn ông bị “bệnh lạ” trong thôn Làng Rêu. Khi đưa đám về, một người đàn ông trong gia đình ôm lấy chân Khoa khóc và nói “bác sĩ làm gì đi chứ để bà con chết miết thế này” (lúc đó Khoa mới lên công tác nên có một số người dân chưa biết, tưởng em là bác sĩ). Xót xa! Câu nói ấy đeo đẳng Khoa suốt đêm trắng. Dịch bệnh chết quá nhiều khiến người dân sợ hãi, nhiều người trong làng không dám đi đưa tang người chết vì bệnh lạ vì sợ bị lây bệnh, phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu? Cơ quan y tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chưa có phác đồ điều trị, căn bệnh vẫn mang một cái tên đầy ẩn số “bệnh lạ”.
Người dân Ba Điền đi các vùng xung quanh đều bị lảng tránh. Vào quán cơm ăn, biết người dân Ba Điền, họ không bán. Câu chuyện cười ra nước mắt được Khoa kể lại đó là có trường hợp đi cắt tóc, mới cắt được nửa nhưng khi lỡ nói là người dân Ba Điền, thợ cắt tóc bỏ đi luôn.
Ánh mắt nửa bất lực, nửa hy vọng của người dân khi ngày ngày phải chống chọi với bệnh tật và chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của người thân đã thôi thúc Khoa bằng mọi giá làm được điều gì đó giúp dịu bớt những mất mát của bà con. Họ đã quen sống cảnh thiếu thốn nhưng không ai nỡ để họ phải quen cả với bệnh tật, đau thương.
Cuộc chiến với “bệnh lạ” Trên cơ sở kết luận bước đầu của Bộ Y tế về tác nhân gây “bệnh lạ” là do người dân sử dụng gạo mốc và nguồn nước không đảm bảo, Khoa cùng lãnh đạo chính quyền địa phương ngồi lại bàn bạc, làm công tác phòng bệnh tại chỗ. Qua khảo sát xóm Gò Nẻ - xóm duy nhất trong số 10 xóm của xã không có dịch bệnh, Khoa phát hiện người dân nơi đây dùng nguồn nước từ suối Gầm chảy qua khu rừng nguyên sinh rộng 1.600 ha phía sau xóm, khác với nguồn nước người dân 9 xóm khác đang dùng.
Từ suy đoán này, Khoa quyết tâm đưa nguồn nước Nẻ về thôn Làng Rêu - cái rốn của dịch bệnh. Khoa khảo sát, lập đề án khái quát về dự án hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, trình xã và được xã thống nhất. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng bởi hệ thống đường ống dẫn nước dài tới 5km, nguồn kinh phí bỏ ra không hề nhỏ với một xã còn tới 38% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ – năm 2012) như Ba Điền. Cơ hội đến với Khoa khi đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về địa phương khảo sát. Khoa đã trình đề án của mình và được đoàn ủng hộ, quyết định bố trí số vốn 5 tỷ đồng, giao cho Viện Công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Cuối năm 2013, hệ thống cấp nước được hoàn thành.
Loại trừ được một yếu tố liên quan đến dịch bệnh, Khoa tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu nguyên nhân thứ hai là gạo mốc. Tìm hiểu, nhận thấy tập quán của người dân là gặt lúa xong bỏ chòi luôn, không phơi, mỗi lần chuẩn bị lấy ra xay sát mới phơi cho cứng lúa. Hạt gạo mốc xanh, mốc đen, mang độc tố Aflatoxin. Để xử lý dứt điểm việc này, Khoa cùng phối hợp với trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án bảo quản lúa sau thu hoạch. Từ nguồn vốn xin được của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến công quốc gia, xã đã hỗ trợ mỗi gia đình 1 thùng đựng lúa khoảng 500kg và bạt phơi lúa. Xã thành lập các tổ công tác đi xuống từng thôn, xóm, từng cánh đồng, bà con thu hoạch lúa tới đâu, “ốp” phơi lúa cho đủ nắng đến đó.
“Nói ăn gạo mốc bị bệnh, họ cho rằng ăn cả trăm năm nay không sao, họ cũng không tin kết luận đó là chính xác”, Khoa tâm sự. Bên cạnh cuộc chiến với bệnh tật là một cuộc chiến với tập tục lạc hậu, nhiều khi tổ công tác phải sử dụng biện pháp cưỡng bức, tạo áp lực, vào tận chòi để kiểm tra. Có hộ phơi lúa không đủ nắng, tổ công tác phải bắt phơi cho đủ mới được cất đi.
Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, đến tháng 3/2014, bệnh lạ đã dứt điểm hoàn toàn.
Trưởng thành từ Dự án 600 Sau 4 năm về xã theo chương trình của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ xã, Khoa được bầu làm đảng ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy. Năm 2016, Khoa được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã, chính thức trở thành một công chức được định biên theo Nghị định 92, thoát ly khỏi Dự án.
Không nói nhiều về những nỗ lực của cá nhân, không nói nhiều về những trở ngại, gian nan, vất vả, vì theo Khoa, mọi khó khăn đều là điều bình thường và đã được xác định trước khi em bước chân vào Dự án. Đường đồi núi, đất đá, không có đường nhựa, đi 15 km để vào xã phải mất cả tiếng đồng hồ, cơ sở vật chất của xã cũng còn thiếu thốn, Chủ tịch và Phó Chủ tịch vẫn ngồi làm việc chung phòng, nhưng Khoa vẫn thấy bằng lòng.
“Bố em hỏi đường đi lên dễ không con, em bảo có đường đi bố ạ”, Khoa kể.
Những thành công, Khoa cũng không nhận lấy cho riêng mình, mà “đổ” cho sự may mắn và công sức của cả tập thể. Song, điều mà ai cũng thấy rõ, đó là từ khi Khoa về làm Phó Chủ tịch xã, Ba Điền đã khấm khá hơn, văn minh hơn, từ chỗ bị bệnh chỉ biết đi thầy mo, cúng con lợn, con gà, nay bà con đã biết đi tới trạm y tế, thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/năm vào năm 2012, đến nay đã đạt 9,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giờ còn 30,8% (theo tiêu chí mới).
Mô hình nông thôn mới đang dần hiển hiện ở đây. Từ nội lực của một xã nghèo, đến nay, Ba Điền đã thực hiện được 8 tiêu chí nông thôn mới và đang phát triển mô hình hợp tác xã nông - lâm nghiệp, dịch vụ để đa dạng các loại hình kinh tế, tạo nguồn thu nhập bền vững cho bà con. Đây cũng là hợp tác xã đầu tiên của huyện Ba Tơ, hoạt động với mục đích vì cộng đồng. Khi thành lập hợp tác xã này, ai cũng bảo Khoa “liều”.
Kể về cái sự “liều” của Khoa còn nhiều lắm. Muốn làm sân bóng cho bà con chơi thể thao, không có đất, xin hộ dân không cho, 1 tuần liền Khoa mang rượu tới nhà 2 hộ dân ngồi uống, nỉ non, rồi cũng xin được 2.000 m2 đất. Muốn mở rộng đường cho bà con đi lại thuận tiện, người dân hai bên đường không đồng ý vì bị mất đất, Khoa vẫn “ép” phải cho rồi chịu “ăn chửi”, nhưng rồi làm xong ai cũng ủng hộ. Ước mơ nhỏ nhoi của Khoa, đó là đến một lúc nào đó, sẽ làm được hết đường bê tông để người dân không còn chịu cảnh đường lầy lội khi mưa và bụi bặm khi nắng.
Ngược dòng thời gian, năm 2012, Nguyễn Anh Khoa là 1 trong gần 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc các huyện nghèo. Nhà ở thành phố Quảng Ngãi, phải đi 80 km mới tới xã, trong khi ở Ba Điền, dịch bệnh đang hoành hành nên Khoa gặp những lực cản nhất định từ gia đình và bè bạn. Bố động viên nhưng mẹ em thì không khỏi lo lắng, giằng xé, lo cho sự an toàn của con trai. Song, phần vì công việc chưa ổn định (Khoa đang làm giáo viên hợp đồng ở trường Cao đẳng Quảng Ngãi, thu nhập thấp), phần vì muốn bay nhảy, thử sức mình, trong khi nhận thấy chuyên ngành được đào tạo là phù hợp với công tác quản lý ở xã và mức đãi ngộ của Dự án có thể đảm bảo cuộc sống nên Khoa vẫn quyết tâm “theo ý mình”.
Một số người chưa biết về Dự án băn khoăn hỏi Khoa học gì mà làm Phó Chủ tịch xã, mới tốt nghiệp ra trường, sao làm Phó Chủ tịch xã. Nửa đùa, nửa thật, Khoa nói “học lớp Phó Chủ tịch xã ra làm Phó Chủ tịch xã. Thời phong kiến đỗ cử nhân làm huyện lệnh, giờ làm phó quan xã, sao không làm được”. Sự tự tin ấy đã được thể hiện ngay khi Khoa về xã.
Học chuyên ngành giáo dục chính trị nhưng nhờ những tháng ngày làm công tác Đoàn tại trường và đã có quá trình 3 năm phục vụ trong quân ngũ, một năm đi làm bên ngoài nên khi về địa phương, Khoa bắt nhịp được ngay với công việc. Điều may mắn với Khoa là thực sự được trao quyền - điều không dễ có đối với nhiều đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã vì các em còn quá trẻ và còn “non” về kinh nghiệm.
“Chính quyền cần người làm và nhân dân cần có người giúp trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Lúc đó cảm giác mình được thể hiện và em cố gắng hết sức”, Khoa chia sẻ. Với vai trò là Phó Chủ tịch xã, Khoa được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, nhờ đó Khoa phát huy được khả năng của mình.
Đồng cam cộng khổ với bà con vượt qua dịch bệnh, không ngại phong tục tập quán, sống hòa đồng, không phân biệt dân tộc, đó chính là cách để đồng bào dân tộc Hre tin tưởng ở Khoa. Đi đến xóm nào Khoa cũng được chào đón, gặp nhà ai cũng được ngồi chung bữa cơm, chưa hề tồn tại cái gọi là khoảng cách “cán bộ với dân”, “người Kinh với người Thượng”.
Thung lũng nhỏ này là quê hương, là ngôi nhà thứ hai của Khoa, nơi Khoa được sống bên những con người thật thà, chất phác, hiền lành. Mái ấm gia đình cũng được Khoa gây dựng ở đây. Hạnh phúc ươm mầm từ lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, vợ Khoa cũng là một công chức, ngày ấy theo chiến dịch tình nguyện giúp nhân dân Ba Điền dọn vệ sinh môi trường để hạn chế và phòng ngừa “bệnh lạ”.
Ngày hôm nay, trên quê hương Ba Điền, dịch bệnh đã thôi ám ảnh người dân, cuộc sống khấm khá hơn, tiếng cười lại vang lên nhiều hơn. Nhìn lại quãng đường đã đi qua cùng bà con nơi đây, Khoa cảm thấy đó là những ngày đáng sống.
“Cùng nhau giành giật lấy sự sống, cùng chung tay xây cuộc sống đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn, em biết ơn mảnh đất này đã cho em được trưởng thành, sống trọn vẹn nghĩa tình. Và, nếu phải lựa chọn giữa đi và ở, giữa vị trí hiện tại và cấp hành chính cao hơn, em sẽ chọn được ở lại công tác tại xã Ba Điền - nơi đã cùng em đi qua một đoạn đường tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, không lãng phí, không hổ thẹn”, Khoa kết thúc câu chuyện có hậu của mình với một bảng dày thành tích sau 5 năm cống hiến: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của UBND tỉnh, được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh Top 20 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2015.
(Còn tiếp)