Trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ sẽ được vào biên chế

Dự án tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo (còn gọi là Dự án 600 trí thức trẻ) về làm Phó Chủ tịch UBND xã 62 huyện nghèo trong cả nước sắp kết thúc, các đội viên lo lắng sẽ đi về đâu và nếu được giữ lại làm công chức thì điều kiện như thế nào? Phóng viên Báo Tin tức đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án về vấn đề này.

Sau gần 5 năm thực hiện Dự án 600 trí thức trẻ, kết quả mang lại như thế nào, thưa ông?

Dự án có 2 mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, tăng cường cho mỗi xã một Phó Chủ tịch UBND xã để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Thứ 2, 600 trí thức trẻ đã tham gia việc chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội của xã, cấp ủy chính quyền địa phương theo dõi, phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí các chức danh, tăng cường nguồn nhân lực cho địa phương. 

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ).

Đến thời điểm này, cả hai mục tiêu của dự án đều đạt kết quả tốt. Các đội viên trúng tuyển có trình độ đại học, được rèn luyện, tập huấn những kỹ năng cần thiết, nên khi về cơ sở nhận nhiệm vụ đã sớm khẳng định mình, phát huy năng lực và hiệu quả công tác. Chúng ta đã tăng cường được cho các xã thuộc huyện nghèo trong cả nước mỗi xã có một  trí thức trẻ có trình độ đại học, tâm huyết và trách nhiệm muốn đóng góp sức trẻ của mình. 

Bằng những kiến thức khoa học kỹ thuật đã được trang bị trong các cơ sở đào tạo, các đội viên đã giúp cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương nhiều việc, hiệu quả rõ rệt. Qua đánh giá hàng năm, trên 95% đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, nhiều em trưởng thành từ Dự án. Về cơ bản, các đội viên đã được bố trí công việc ổn định tại huyện, xã, chỉ còn 20% chưa được bố trí.

Có thể khẳng định, việc điều động và tăng cường thu hút cán bộ, trí thức trẻ về công tác vùng đặc biệt khó khăn, đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cơ sở; là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở địa phương.

Xin ông cho biết Bộ Nội vụ đã có chủ trương gì để đảm bảo “đầu ra” cho các đội viên?

Dự án 600 trí thức trẻ sắp kết thúc, các trí thức trẻ có chung một nguyện vọng được bố trí công tác, lo bị cắt hợp đồng sau khi hết thời hạn thực hiện Dự án. Đồng thời, các trí thức trẻ mong muốn được tiếp tục đóng góp sức trẻ, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước. Nguyên tắc, khi kết thúc dự án, những cán bộ hoàn thành nhiệm vụ đều được bố trí công việc phù hợp với trình độ và năng lực. Những trí thức trẻ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc theo Luật Công chức, vì họ đều thuộc biên chế nhà nước, vì vậy, sẽ điều chỉnh theo Luật Công chức.

Đội viên Bùi Thị Lập (ngồi đầu bên trái), Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) xuống cơ sở nắm bắt tình hình.

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND, Phó Chủ tịch UBND không nhất thiết phải là đại biểu HĐND hoặc phải cơ cấu vào cấp ủy. Trong kỳ Đại hội Đảng vừa qua, các Phó Chủ tịch UBND xã không trúng vào Ban chấp hành Đảng bộ xã không có nghĩa là sẽ không có “đầu ra” sau này. Các tỉnh chưa sử dụng hết số biên chế được giao, có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu này cho các huyện nghèo để sắp xếp, bố trí công việc cho các trí thức trẻ. 


Đối với các tỉnh đã sử dụng hết số biên chế được giao, trong quá trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nếu tinh giản hai người thì được bổ sung một người là trí thức trẻ thuộc diện thí điểm. Nếu không còn biên chế, các địa phương báo cáo để các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung biên chế, bảo đảm bố trí công tác cho các đội viên tham gia dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


20% đội viên trí thức trẻ chưa được địa phương bố trí công chức sẽ ra ra sao khi dự án kết thúc, thưa ông?


Chúng tôi luôn nói với các đội viên, tất cả các em phải làm việc hết mình, đúng với chức trách và nhiệm vụ trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã. Các em phải làm tốt chức năng mà dự án giao, đó là trí thức trẻ xung kích tình nguyện, nỗ lực phấn đấu, học tập, thường xuyên đi cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe ý kiến của người dân, có những cách làm hay để phát triển vùng đất mình công tác. Người dân, chính quyền địa phương yêu quý, ghi nhận công lao của các em, sẽ có ý kiến với cấp trên giữ lại làm cán bộ.


Cho đến thời điểm này có 95% đạt mục tiêu, yêu cầu, việc vào vị trí nào còn phụ thuộc vào công tác cán bộ và tiêu chuẩn, điều kiện của đội viên. Kết thúc dự án, cơ bản các em được xét chuyển công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định tại Quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2875 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện dự án này. Quan trọng là các em phải yên tâm công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã có cơ chế tuyển dụng. Các em cứ làm tốt nhiệm vụ, tổ chức sẽ có trách nhiệm sắp xếp, bố trí công chức cho các em.


Xin cảm ơn ông!


Việt Hoàng (thực hiện)
­Đưa trí thức trẻ về vùng khó Tây Bắc
­Đưa trí thức trẻ về vùng khó Tây Bắc

Dự án Tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo (còn gọi là dự án 600 trí thức trẻ) được triển khai từ năm 2011 theo Quyết định số 08/2011/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường cán bộ là Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước. Tháng 6/2017 dự án sẽ kết thúc, 80% đội viên đã được bố trí làm công chức là niềm vui, động lực để họ yên tâm cống hiến lâu dài cho vùng khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN