Đốt vàng mã cuối năm: Cần thay đổi từ nhận thức của người dân

Chợ hàng mã tại TP Hồ Chí Minh những ngày cuối năm đủ thứ từ cao cấp cho đến bình dân, nhộn nhịp kẻ bán người mua. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, người dân nên dùng những số tiền mua vàng mã đi làm từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn.

Với quan niệm“trần sao âm vậy” nên Tết Nguyên Đán là dịp để người sống bày tỏ lòng tri ân, cảm tạ người đã khuất phù hộ cho mình ăn nên làm ra trong suốt một năm qua. Vì vậy, chợ hàng mã tại TP Hồ Chí Minh những ngày cuối năm cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua.


Đua nhau sắm hàng mã


Ghi nhận của phóng viên tai các chợ chuyên kinh doanh hàng mã như chợ Thiếc (quận 11), chợ Bình Tây (quận 6), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đường Lương Nhữ Học (quận 5)…những ngày này lại nhộn nhịp hơn. Ở đây, các cửa hàng bày bán đủ các vật dụng của “trần thế” để đốt cho người âm.


Chị Lê Thị Mai, ngụ ở Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cho biết muốn mua đồ cúng cho người chết cứ đến chợ Bình Tây, vì ở đây người ta có bán đủ thứ từ những cái nhỏ nhất như ví tiền, giỏ xách, quần áo cho đến các loại lớn như nhà cửa, xe cộ các loại… Có món có giá vài ngàn, có món tới vài trăm ngàn, thậm chí có món hàng “độc” phải đặt làm lên tới hàng triệu đồng. Những để tri ân người đã khuất cho nên một năm bỏ ra vài trăm ngàn mua đồ cho người đã khuất cũng là chuyện bình thường.


Mặc dù là đồ hàng mã song các sản phẩm này cũng phong phú không kém hàng thật, nhiều mặt hàng nổi tiếng, “hàng hiệu” được bày bán khá nhiều như xe hơi Mercedes Benz, Rolls-Royce, xe máy Air Blade, SH, Dylan; điện thoại thông minh Samsung Galaxy, Nokia, iPhone 6 Plus, máy tính bảng iPad, chiếc thẻ cao điện thoại, biệt thự…


Nếu khách hàng chưa ưng ý với những đồ hàng mã bán sẵn và có nhu cầu “sắm riêng” cho người âm nhà mình thì có nhiều loại “hàng độc”, hàng hiệu “không đụng hàng” thì chủ cửa hàng lại có có hẳn một cuốn catalog chuyên giới thiệu đầy đủ các mẫu nhà, xe, điện thoại…hàng mới nhất hiện nay.


Theo ghi nhận giá cả những sản phẩm này cũng khá phong phú, so với năm ngoái, các loại vàng mã năm nay đều được sản xuất trong nước, giá bán không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Ví dụ như nhà biệt thự, xe hơi có giá 100.000 - 500.000 đồng/bộ; di động iPhone, máy tính iPad có giá 50 - 100.000 đồng hay bộ quần áo gồm kính mát, đồng hồ, giày dép có giá 25.000 - 35.000 đồng. Ngoài ra, nhiều món trang sức hàng hiệu giá từ 50.000 - 500.000 đồng…. Tất cả đều có kiểu dáng y như sản phẩm thật.


Thanh Nga, chủ một sạp bán đồ vàng mã tại chợ Bình Tây cho biết: “Để có thể đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán chúng tôi phải nhập hàng từ đầu tháng 9 - 10 Âm lịch. Nếu không sẽ không kịp và không có hàng để bán cho khách khi cần”.

Với tâm lý "âm thịnh thì dương mới phát" nên nhiều người mua sắm hàng mã để cúng cho người đã khuất.

Tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), mặt hàng hàng mã cũng được bày đủ loại, đủ kiểu đáp ứng nhu cầu từ cao cấp cho đến bình dân của mọi khách hàng.


Thay vì đốt vàng mã nên đi làm từ thiện


Vấn đề đáng quan tâm là ngày nay người ta không còn hóa vàng cho người chết nào là áo dài, khăn xếp, guốc mộc, ngựa, tiền vàng “ngân hàng địa phủ” như trước đây... mà những thứ đó đang dần bị biến tướng, “thị trường hóa” và thay thế bằng đồng đô la, tiền giấy Polymer, cũng như các vật dụng đắt tiền khác.


Bên cạnh đó, một số người bán hàng lợi dụng tâm lí người đi mua hàng mã không kì kèo trả giá vì sợ không thành tâm, bị các cụ “quở phạt”. Cho nên, nhiều đồ hàng mã được hét giá trên trời so với giá trị thực của nó, nhất là vào dịp Tết.


Một tiểu thương bán vàng mã tại chợ Bà Chiểu cho hay bây giờ không thể “tậu nhà lầu, xe hơi” dạng hàng hiếm cho người đã khuất nếu như không đặt trước hoặc nếu có thì giá sẽ đắt gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Bởi các nhà sản xuất vàng mã đã không nhận thêm đơn hàng.


Trong khi đó, ngay từ năm 2010, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, bao gồm việc đốt hàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác và tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã.


Tuy nhiên, một chủ sạp bán hàng mã ở chợ Bình Tây phần trần: Lệnh cấm đốt vàng mã chỉ diễn ra ở những nơi công cộng, còn họ chỉ bán hàng cho người dân đốt ở nhà riêng nên không vi phạm. Hơn nữa, việc đốt vàng mã cho người quá cố là tập tục có từ lâu đời.

Theo một số nhà sư trụ trì ở chùa tại TP Hồ Chí Minh, tập tục đốt vàng mã trước đây xuất phát từ mong muốn cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng ở cõi âm. Tuy nhiên, ngày này hành động này đã bị “biến tướng” khá nhiều, muốn thay đổi hành động này, cần phải thay đổi từ nhận thức của người dân.


Trước tiên, cần tuyên truyền vận động người dân không mua sắm vàng mã, vì không có người mua sẽ không có người bán. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân nên dùng những số tiền mua vàng mã đi làm từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn. 


Hoàng Tuyết
Làng nghề Duyên Trường, Phúc Am: Nhạt dần sắc vàng mã
Làng nghề Duyên Trường, Phúc Am: Nhạt dần sắc vàng mã

Mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân hai làng Duyên Trường, Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật làm vàng mã xanh, đỏ, tím, vàng phục vụ "người âm". Nhưng những ngày cuối năm này đang vắng đi sự bận rộn, đông vui của không khí làng nghề...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN