Đột phá để giảm nghèo bền vững

Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tỉ lệ người nghèo giảm xuống còn 0,99%... là những kết quả rất ấn tượng của Chương trình giảm nghèo TP Hồ Chí Minh. Đây có thể xem là một kinh nghiệm tốt trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia giúp đỡ người nghèo.


Xây nhà mới, mở rộng sản xuất

Đến thăm gia đình vợ chồng anh Trần Văn Huy, ngụ tại 185 H1 Mai Xuân Thưởng, quận 6, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là hàng trăm thùng nước đóng chai được xếp ngay ngắn chờ giao hàng. Anh Huy vui vẻ nói: “Bây giờ chúng tôi không phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau nữa, tất cả là nhờ vào nguồn thu nhập từ việc mở đại lý nước uống đóng chai tại gia đình. Trung bình một ngày cả gia đình cũng thu về được 300.000 đồng từ công việc này”.

Bà Phan Thị Thu Nguyệt nhờ chường trình giảm nghèo đã được sống trong căn nhà mới khang trang hơn.

Anh Huy cho biết: “Mấy năm trước, khi bắt đầu công việc kinh doanh, cuộc sống gia đình rất cơ cực vì vừa phải chăm sóc mẹ già, vừa phải lo chạy chữa thuốc thang cho người anh trai bị bệnh tâm thần, trong khi tiền vốn không có. Chúng tôi tính phát triển mạng lưới giao hàng đi khắp các quận, nhưng chạy vạy khắp nơi không ai cho vay vốn, nơi cho vay thì lãi suất lại quá cao. Rất may, cán bộ của quỹ xóa đói giảm nghèo thấy gia đình khó khăn nên hướng dẫn chúng tôi làm đơn vay được 10 triệu đồng. Có vốn, hai vợ chồng thuê người làm tiếp thị tại các quận, nhập thêm nước về nhà để phát triển đại lý rộng lớn hơn. Mỗi lần mở rộng đại lý ra các quận lại mượn thêm 10 triệu, cứ vay xong, đến hẹn lại trả, đến nay chúng tôi đã trả xong các khoản nợ, cuộc sống gia đình đã thay đổi rất nhiều”.

Cũng nhờ nguồn vốn vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo, chị Phan Thị Thu Nguyệt, ở 19D Bà Lài, quận 6, đã khởi sự làm ăn và xây được căn nhà tường gạch, mái tôn, thay cho căn nhà liêu xiêu, dột nát trước đây. Nhớ lại những ngày cơ cực, chị kể: “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà hơn 20 m2, cứ mưa là ngập và dột trước dột sau. Cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, nên thường xuyên thiếu ăn. Để lo cho các con có cái ăn, tôi phải làm thuê tại một cửa hàng bánh bò, nhưng tiền công mỗi ngày cũng chỉ được 1-2 lon gạo. Chồng làm phụ hồ, nhưng lúc có việc lúc không, nên gia đình luôn bị thiếu ăn. Từ khi vay được vốn xóa đói giảm nghèo, tôi chuyển sang đi buôn bán rau củ tại chợ, còn chồng tôi mua được chiếc xe máy vừa để đi làm vừa chạy xe ôm. Cuộc sống gia đình dần dần ổn định, đến nay đã lo được cho con ăn học và xây được căn nhà mới khang trang hơn”.

Cả xã hội chung tay

Chia sẻ về hoạt động “xã hội hóa” giảm nghèo, bà Trịnh Thị Thu Hiền, chủ cơ sở cơ khí tại quận Thủ Đức cho biết: “Khi đồng hành với thành phố giúp đỡ người nghèo, gia đình tôi vừa hỗ trợ học bổng vừa nhận đào tạo nghề cho con em hộ nghèo. Tôi nghĩ, việc hỗ trợ học bổng sẽ giúp con em hộ nghèo có cơ hội đến trường để tự mình thay đổi cuộc sống. Việc đào tạo nghề tại xưởng cơ khí của gia đình cũng sẽ giúp con em hộ nghèo tại địa phương có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập. Đến nay, đã có hơn 100 em được gia đình chúng tôi hỗ trợ với số tiền hơn 200 triệu đồng”.

Nhờ được vay vốn mở rộng kinh doanh, gia đình anh Trần Văn Huy đang vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ vừa thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ cũng tham gia giúp những người nghèo hơn mình. Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở may Khánh Hà, quận Tân Bình, là một ví dụ. Từ số vốn 100 triệu đồng vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của quận, bà Nguyễn Thị Hà mở rộng sản xuất và tuyển lao động là những con em hộ nghèo trong phường. Bà Hà tâm sự: “Mình được TP hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất thì mình phải biết giúp đỡ lại các hộ nghèo tại địa phương vươn lên thoát nghèo. Hiện đã có 10 lao động địa phương làm việc tại cơ sở của tôi, với thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng. Sắp tới tôi còn phát triển thêm các cơ sở ra một số quận, huyện để tạo việc làm nhiều hơn cho lao động nghèo ở các địa phương này”.

Không chỉ huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho hộ nghèo, nhiều mô hình chi bộ, đảng viên cơ sở chủ động trợ giúp hộ nghèo đã tạo nên một sức sống của tổ chức Đảng tại địa phương. Ông Bùi Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi cho biết: Địa phương cố gắng thực hiện chủ trương không để bất cứ hộ dân nào có cuộc sống nghèo đói và tạo điều kiện để người dân tự vươn lên thoát nghèo ổn định. Ngoài những biện pháp tổng hợp như hỗ trợ vốn vay, tặng BHXH, BHYT, hỗ trợ xóa nhà tranh tre, dột nát… Chính quyền, Đảng bộ xã còn áp dụng “mô hình 5+1”, tức là mỗi cán bộ đảng viên chịu trách nhiệm giúp đỡ 5 hộ nghèo trong xã. Cách làm này rất hiệu quả vì hộ nghèo được cán bộ đảng viên bám sát thường xuyên nên có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời giúp hộ nghèo không tái nghèo mà thoát nghèo bền vững. Với cách làm này, cuộc sống của người dân xã Thái Mỹ đã thay đổi rất nhiều. Hiện nay xã đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, những căn nhà dột, nhà tranh đã thay bằng những ngôi nhà mái ngói, tường gạch... Người dân ai cũng có việc làm, cuộc sống ngày càng ổn định, ấm no hơn. Từ một xã nghèo của thành phố đến nay xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã thoát nghèo và thành một xã nông thôn mới điển hình của TP.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình giảm nghèo, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Qua 23 năm (1992-2015) thực hiện, chương trình giảm nghèo của TP đã trải qua 4 giai đoạn. Từ giai đoạn 2, chương trình được vận hành theo cơ chế xã hội hóa. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững và phát huy phong trào quần chúng, chăm lo cho người nghèo. Đây là phương pháp khơi dậy sức dân chăm lo cho người dân. Thực tế, ở hầu hết các quận, huyện đều có hàng loạt doanh nghiệp nhận giúp đỡ học bổng, hỗ trợ dạy học nghề tạo việc làm, tặng BHXH, BHYT… cho các hộ nghèo”.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh:

TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên khởi xướng và thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo. Từ đây, chương trình được nhân rộng ra cả nước vào năm 1998. Sau 3 năm thực hiện chương trình, TP Hồ Chí Minh không còn hộ đói. Đến năm 2013, TP không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, chuẩn nghèo thành phố cao hơn quốc gia 2,7 lần. Những kết quả này khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sự năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt chương trình của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân thành phố. Điều này còn thể hiện tính đột phá, sáng tạo khi thành phố đã vận dụng, huy động thành công mọi nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo cho đời sống người dân, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Ông Trương Văn Lương, CVP Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP Hồ Chí Minh: Qua 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo tăng hộ khá, đến nay tổng nguồn vốn huy động cho chương trình là hơn 7.136 tỷ đồng. Trong đó, 3.721 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, hơn 3.414 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Theo đó, đã có khoảng 33.000 lao động được miễn giảm học phí đào tạo nghề, hơn 13.000 lao động nghèo được nhận việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... Gần 954.000 lượt học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp với tiền bình quân 665.000 đồng/lượt. Đặc biệt, đã có 360 cán bộ, đảng viên làm tốt công tác giảm nghèo từ thành phố đến phường - xã. Những kết quả này đã minh chứng và khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.



Hoàng Tuyết
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN