Đồng bào vùng cao thoát nghèo nhờ sâm Ngọc Linh

Nhiều năm qua, người dân ở vùng núi cao Trà Linh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã vươn lên thoát đói, giảm nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh - nguồn dược liệu được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Hiện nay, nhiều mô hình trồng sâm, nhiều tỷ phú trẻ đã xuất hiện dưới chân núi Ngọc Linh.

Trong những ngày đầu tháng 3/2012, chúng tôi đã có dịp lên các xã vùng cao của huyện miền núi Nam Trà My, tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con đồng bào nơi đây ngày một đổi thay. Hơn 2.000 nhân khẩu của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My này trước đây do phải sinh sống ở địa bàn khó khăn, điều kiện sản xuất nương rẫy bất lợi, trồng cây lúa nước thì manh mún, nhỏ lẻ nên một thời gian dài, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám...

Nhưng từ khi xác định được giá trị của cây sâm và được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, về giống, phương pháp trồng sâm, thu mua nguyên liệu, hiện tại, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng sở hữu những vườn sâm có giá trị kinh tế cao. Gia đình anh Hồ Văn Hình hiện sở hữu hơn 5.000 cây sâm đã đến kỳ khai thác và anh được xem là một trong những tỷ phú trẻ nhất của đồng bào Xê Đăng ở thôn 3 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Anh Hồ Văn Hình phấn khởi cho biết: trước kia là nghèo khổ, giờ đã làm được nhà, có thêm ao cá, con cái không phải bỏ học, thấy cuộc sống sung sướng rồi. Nếu giá cây sâm vẫn giữ được như hiện nay, gia đình cũng có gần 1 tỷ đồng.


Cây sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn: Internet


Từ hiệu quả kinh tế cao do cây sâm mang lại, vài ba năm trở lại đây, tại xã Trà Linh huyện Nam Trà My, đã xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú trẻ như: Hồ Văn Lượng ở nóc Măng Lùng, sở hữu hơn 2 tỷ đồng từ việc trồng và bán sâm, hay ông Hồ Văn Du ở thôn 2 xã Trà Linh cũng đã gửi ngân hàng hàng tỷ đồng... Cũng từ cây sâm, đời sống của người dân vùng núi cao Ngọc Linh đã có những đổi thay đáng kể với gần 100% hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại, nhà tranh tre, nứa là đã được thay bằng những mái tôn xanh, nền lát gạch hoa, cái đói, cái nghèo đã dần lùi xa, con trẻ được học hành. Đáng chú ý, khi xác định nguồn lợi do cây sâm mang lại khá lớn, 21 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 xã Trà Linh đã hình thành mô hình trồng sâm tập thể, có tổ trưởng, tổ phó, thư ký và phân công cụ thể cho từng thành viên có trách nhiệm chăm sóc, nuôi trồng và bảo vệ cây sâm ngày một phát triển hơn.

Qua thực tế ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có thể khẳng định, cây sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và giúp đồng bào Xê Đăng nơi đây giàu lên. Cũng từ thay đổi cuộc sống của người dân xã Trà Linh, hiện tại mô hình trồng sâm đang được huyện Nam Trà My nhân rộng ra các xã lân cận như Trà Cang, Trà Nam...

TTXVN/ Tin Tức
Nguy cơ cạn kiệt sâm dây tự nhiên tại Kon Tum
Nguy cơ cạn kiệt sâm dây tự nhiên tại Kon Tum

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhiều người dân sống tại khu vực huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plong đang khai thác quá mức nguồn sâm dây tự nhiên để bán cho thương lái và nhiều người dân ở thành thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN