Thời gian qua, phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống "Tốt đời đẹp đạo" và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân, đặc biệt là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tôn giáo đã tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 và góp thêm nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch; phát huy tốt vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, Tuệ Tĩnh đường... trong việc phối hợp với chính quyền, Mặt trận và cơ sở y tế ở địa phương tham gia các công tác phòng, chống dịch.
Tính đến ngày 16/8/2021, các tôn giáo đã chung tay ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ hơn 150 tỷ đồng; Hội thánh Tin Lành Việt Nam quyên góp hơn 2 tỷ đồng; Phật giáo Hòa Hảo ủng hộ trên 34,4 tỷ đồng; các Hội thánh Cao Đài Việt Nam ủng hộ 1,2 tỷ đồng; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam quyên góp hơn 1,2 tỷ đồng; Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam... đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng.
Tình nguyện tham gia tuyến đầu
Những ngày qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố ở miền Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào "Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch". Các tăng ni, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước đã tích cực hưởng ứng, liên tục có đơn đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã hai lần tổ chức lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử cùng chức sắc, tu sĩ của Công giáo và đạo Tin Lành xung phong trở thành tình nguyện viên lên tuyến đầu chống dịch tại các Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19, Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10, Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12...
Ngày 22/7 vừa qua, gần 200 linh mục, tu sĩ đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến - nơi điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 để chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân. Tiếp đó, ngày 11/8, có 70 tình nguyện viên là các chức sắc, tu sĩ, tín đồ Công giáo cũng tham gia hỗ trợ công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8 người). Tất cả các tình nguyện viên đều đã trải qua khóa học tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế trong môi trường có bệnh nhân mắc COVID-19; đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và có kết quả âm tính xét nghiệm RT- PCR trước khi lên đường. Đến nay, cả nước có gần 1.000 tăng ni, cư sĩ, phật tử, chức sắc, tu sĩ... tham gia tuyến đầu chống dịch.
Trong buổi gặp gỡ với đại diện Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh, bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: "Nếu không có lực lượng tình nguyện viên, trong đó có các tu sĩ thì ngay cả đại Giáo sư hay máy móc hiện đại thế nào cũng không thế hoạt động được". Bác sĩ cũng chia sẻ thêm: "Một bác sĩ khám 5 bệnh nhân, có thể gánh thêm 10 bệnh nhân cũng được, nhưng thiếu lực lượng tình nguyện viên này là thua, bệnh viện không hoạt động được".
Nhằm góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích các chùa, tự viện phát huy tinh thần "Hộ quốc an dân", tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly thông qua phong trào "Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19". Theo thống kê ban đầu, đã có nhiều chùa, tự viện có đơn đăng ký như: Việt Nam Phật Quốc Tự, chùa Phổ Quang ở TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại Bình Dương; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; chùa Keo tại tỉnh Thái Bình; chùa Ích Minh tỉnh Bắc Giang; chùa Trình Yên Tử, Cung Trúc Lâm, Thiện viện Trúc Lâm, chùa Ba Vàng tỉnh Quảng Ninh, chùa Vĩnh An tỉnh Bến Tre...
Các chùa, cơ sở tự viện cũng đưa các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch COVID-19 thành các chuyên đề kết hợp trong các bài giảng trực tuyến thuyết pháp trên các phương tiện truyền thông; đẩy mạnh việc tuyên truyền trong tín đồ, phật tử về việc cảnh giác với các thông tin giả, thông tin không chính xác, mê tín dị đoan về dịch bệnh...
Lan tỏa bữa cơm yêu thương vùng tâm dịch
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách" và lan tỏa tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, trong những ngày tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhiều chùa và cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng lòng hưởng ứng phong trào "Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch". Hàng chục nghìn bữa cơm nhân ái đã được Ban Trị sự hoặc các chùa công đức tới các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly tại TP Hồ Chí Minh, như chùa Vĩnh Nghiêm mỗi ngày phục vụ từ 10.000 đến 20.000 suất; chùa Tường Nguyên mỗi ngày nấu hơn 20.000 suất ăn phục vụ các bệnh viện dã chiến....
Nhận thấy giá trị, hiệu quả của hoạt động này, ngày 1/8/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 192/HĐTS-VP1 gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện, đề nghị tích cực hơn nữa thực hiện và lan tỏa phong trào bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch.
Bên cạnh đó, Giáo hội Công giáo cũng có sáng kiến xây dựng mô hình "Siêu thị mini 0 đồng", với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần san sẻ yêu thương với đồng bào trong mùa dịch. Chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp - Cộng đoàn Thuận Phát đã tổ chức bếp nấu từ thiện góp hàng nghìn suất cơm. Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh cùng Ban Cai quản các họ đạo nằm trên địa bàn huyện Châu Thành tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ trước những khó khăn, vất vả và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại 34 điểm chốt thuộc 3 đồn Biên phòng của Bộ đội biên phòng Tây Ninh. Thiết thực tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên thành lập tổ nấu nước chanh để chuyển đến khu cách ly, các chốt kiểm dịch và các bệnh viện dã chiến, mỗi ngày nấu 500 lít nước chanh đậm đặc để pha được 1.000 lít nước uống phục vụ cho các chiến sĩ, bệnh nhân...
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức tôn giáo, tính đến ngày 16/8/2021, các tôn giáo đã tích cực vận động, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà với tổng giá trị lên tới 10 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Giáo hội cũng vận động ủng hộ 170 máy thở và tạo oxy; hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước khử khuẩn cho ngành y tế, góp phần thiết thực cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch. Tổng giá trị giá hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 lên tới gần 50 tỷ đồng.
Cùng với nhiều hoạt động thiện nguyện sáng tạo, hiệu quả, Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch gần 20 tỷ đồng, trong đó Giáo hội Công giáo hỗ trợ 8 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam; trao tặng 2.000 phần quà hỗ trợ những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, những con số tổng hợp bước đầu này khó có thể đánh giá được hết những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo. Với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, các tôn giáo đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, qua đó một lần nữa khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo Việt Nam.