Đến đầu năm 2020, có 28/47 làng nghề có đề án hoặc phương án xử lý ô nhiễm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 18/47 làng nghề đang triển khai dự án đầu tư; làng nghề chế biến tinh bột mỳ xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ngừng hoạt động. Trong đó có 5/47 làng nghề đã hoàn thành các hạng mục đầu tư và đưa vào vận hành gồm làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng (Bình Đại, Bến Tre); làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh, (Kiến An, Hải Phòng); làng nghề bún, bánh thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh, Ninh Bình); làng nghề bún Vân Cù, xã Hương Toàn (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế); làng nghề bún Ô Sa, xã Quảng Vinh, (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế).
Tổng cục cùng với các địa phương đã nghiệm thu mô hình thí điểm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại Làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm (Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang); tiến độ triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Văn Lâm, Hưng Yên); điều tra, khảo sát thu thập thông tin về hiện trạng sản xuất, mức độ ô nhiễm môi trường cũng như tiến độ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của các làng nghề tại Thái Bình, Nam Định...
Thời gian tới, Tổng cục Môi trường tiếp tục chủ động, tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2020; giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường thông qua việc tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ giám sát môi trường tại các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp giấy Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh…