Đời sống văn hóa công nhân còn nghèo nàn

Áp lực tăng ca để tăng thu nhập đè nặng lên người công nhân, khiến nhu cầu vui chơi, giải trí của họ gần như bị lãng quên.


Ít hoạt động vui chơi


Tầng 1 khu chung cư dành cho công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội) trở thành quán giải khát, karaoke... do Ban quản lý đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của công nhân. Tuy nhiên, một công nhân ở đây phản ánh: “Thu nhập của chúng tôi chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới đủ ăn, làm gì có tiền ngồi hát. Nhà nước đã xây nhà ở cho công nhân thì cũng nên quan tâm đến đời sống tinh thần, đặc biệt là việc giao lưu tình cảm của công nhân”.


Nơi ở cho công nhân KCN Bắc Thăng Long có khu vui chơi thể thao. Ảnh: Xuân Cường

 

“Ở đây, ngoài hình thức giải trí duy nhất là xem ti vi, lúc rảnh rỗi bọn mình chỉ còn biết... ngủ vùi cho quên thời gian”, chị Nguyễn Mai, một công nhân KCN Bắc Thăng Long, chia sẻ, “Thỉnh thoảng mới có buổi chiếu phim tập trung, nhưng ít người xem vì mọi người đều đi làm xong là về phòng ăn uống, nghỉ ngơi, đến hôm sau lại tiếp tục làm việc nên ít có thời gian rảnh xem phim. Còn muốn tổ chức vui chơi trong phòng rất khó bởi quy định ở đây rất khắt khe, bạn bè không được lên phòng. Nhiều khi bạn bè ở xa đến chơi, muốn nấu bữa cơm ăn cùng nhau cũng khó. Khổ nhất là cứ 22 giờ kí túc đóng cửa, nên nhiều bạn có người yêu làm lệch ca, ở ngoài kí túc thì cả tháng chẳng gặp được mặt nhau”.


“Đời sống công nhân đã thiếu thốn vật chất, nhưng lại càng thiếu thốn hơn về văn hóa tinh thần”, chị Hoàng Thị Yến, 20 tuổi, quê ở Thanh Hóa, đang trọ tại làng Đại Đồng (Đông Anh, Hà Nội), cho biết. Nơi Yến trọ có độ hơn 10 phòng trọ với khoảng gần 40 người. “Cả xóm chỉ 2 - 3 nhà có ti vi, chúng em thường sang nhà nhau xem ké, nhưng cũng không có nhiều thời gian để xem. Tùy thuộc vào mỗi công ty mà lịch làm việc khác nhau, thường làm theo ca hoặc kíp. Ngoài thời gian đi làm thì chúng em chỉ ngủ hoặc sang nhà trọ của bạn chơi. Thỉnh thoảng bắt xe buýt đi siêu thị BigC hoặc Metro ngắm đồ, chứ cũng ít khi mua”, Yến cho biết.


Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Còn rất nhiều khu công nghiệp không có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập cho con em người lao động. Đại diện Bộ Xây dựng thì cho biết: Khảo sát tại 98 khu công nghiệp, có tổng số 837.2000 công nhân đang làm việc, mới chỉ có 6% có nhà văn hóa và nhà tập luyện thể thao. Công trình y tế thậm chí còn thấp hơn khi chỉ có ba khu có bệnh viện, đạt tỷ lệ 3% và chưa có một phòng khám bệnh đa khoa hoặc một thư viện nào được đầu tư xây dựng.


Nhà nước và nhân dân cùng làm


Ban quản lý nhà chung cư công nhân KCN Bắc Thăng Long thừa nhận: Do chưa có nhiều hình thức hoạt động vui chơi giải trí, nên hoạt động văn hóa ở đây trầm lắng. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí đầu tư nên cơ sở vật chất chưa phong phú, không thu hút được công nhân tham gia. Các doanh nghiệp cũng mới chỉ tập trung lo sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đầu tư và tổ chức nên các hoạt động văn hóa thể thao dành cho công nhân hầu như không có.


“Mô hình đang được các cấp công đoàn triển khai là tổ tự quản công nhân. Trong thời gian tới, công đoàn sẽ phối hợp với chính quyền sở tại xây dựng mô hình tổ công nhân tự quản, tổ tự quản khu nhà trọ văn minh, khu nhà trọ không ma túy”, ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết.


Được biết, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 phải có 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tuy nhiên với những thực tế hiện nay, mục tiêu trên e rằng khó thực hiện. Còn nếu muốn đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành. “Các KCN nên kết hợp với địa phương để cùng nâng cao đời sống văn hóa cho người dân địa phương cũng như cho các công nhân. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến xây dựng đời sống công nhân lao động cần chặt chẽ hơn”, lãnh đạo Viện Công nhân công đoàn Việt Nam nêu ý kiến.

 

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc tại các KCN tập trung. Cơ cấu huy động nguồn vốn mức đầu tư thí điểm xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi tại 14 địa phương tập trung nhiều KCN gồm 50% vốn ngân sách TƯ, 40% ngân sách địa phương và 10% là vốn xã hội hóa. Tổng mức đầu tư từ nay đến năm 2015 đề xuất khoảng 1.316 tỷ đồng.


Thu Trang - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN