Đổi mới đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn Nghệ An

Không chỉ đào tạo các nghề như may mặc, tin học, mây tre đan mà giờ đây các cấp hội phụ nữ tỉnh Nghệ An đã mở thêm nhiều lớp mới nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học như đào tạo kỹ thuật chế biến hải sản, chế biến ăn uống, nhóm nghề chăm sóc sắc đẹp (làm tóc, làm móng tay, spa).

Đây là một trong những nét đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn ở Nghệ An.    

Em Lương Thị Giang, bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đang học nghề làm tóc ở Trung tâm dạy nghề Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhà em có 6 chị em, thuộc diện hộ nghèo nên ngay khi vừa thi xong lớp 12 em đã xác định sẽ đi học nghề. Bản thân em rất thích nghề làm đẹp nên hi vọng sau khi được đào tạo 3 tháng ở Nghệ An, em sẽ được lựa chọn để học nâng cao ở Sài Gòn và có vốn để về mở ốt kinh doanh ở huyện”.     

Giáo viên hướng dẫn học viên học nghề làm móng tay.

Nhiều chị sau khi học được cấp chứng chỉ nấu ăn còn tạo việc làm cho nhiều chị em khác như tham gia các tổ nấu ăn của phụ nữ xã Lưu Sơn (Đô Lương), Kim Liên (Nam Đàn), Nghi Liên (thành phố Vinh). Cô giáo Phạm Thị Trình, 15 năm giảng dạy ở Trung tâm nghề kỹ thuật chế biến nấu ăn cũng cho biết: “Phụ nữ nếu được đào tạo bài bản sẽ rất dễ kiếm việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp bởi bản chất của phụ nữ là chịu khó, chăm chỉ và biết vun vén”.  
   
Thiếu định hướng nghề và chọn nghề là một trong những hạn chế khiến cho việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ hiện nay, đặc biệt là ở khu vực nông thôn miền núi Nghệ An khó tìm được việc làm. Đa phần, với chị em phụ nữ xu hướng chính trong chọn nghề chủ yếu là vì thích hoặc là theo phong trào. Bên cạnh đó, mặc dù công tác đào tạo nghề thời gian qua đã được quan tâm nhưng quy mô đào tạo nghề cho phụ nữ chưa đáp ứng yêu cầu xã hội hoặc nhiều ngành nghề xã hội có nhu cầu nhưng chưa tổ chức đào tạo được. Các trường, các địa phương chưa xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng và thu hút được đông đảo học viên tham gia. Một số lao động học xong không phát huy được nghề đã học hoặc chỉ làm được một thời gian, thời vụ. Bên cạnh đó còn có hạn chế bởi chưa gắn kết chặt chẽ giữa 3 bên: Người dạy, người học và chính quyền địa phương.   

Mặc dù chiếm số lượng lớn trong dân số và là lực lượng lao động chính nhưng tỷ lệ lao động nữ có tay nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An không nhiều (chỉ khoảng 42,6%). Lao động nữ ở nông thôn, miền núi đa phần chưa có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm nội trợ và sống phụ thuộc vào nam giới (số lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi có tay nghề mới đạt 34%).    

Giáo viên hướng dẫn các học viên cách sơ chế món ăn.

Nói về ý nghĩa của việc đổi mới trong đào tạo nghề cho phụ nữ hiện nay, bà Lê Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng khẳng định: Dạy nghề là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tỉnh Nghệ An. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An đang hướng tới đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội. Giải pháp này giúp chị em tìm được việc làm, tạo được thu nhập một cách ổn định và phát triển kinh tế một cách bền vững. Qua đó, cũng từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong các gia đình và từng bước rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế.    

Thời gian tới, để việc dạy nghề có hiệu quả, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề, việc làm và vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi tham gia học nghề. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm để tổ chức đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cũng cần chủ động phối hợp với các cấp, ngành, các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho lao động nữ để họ có cơ hội thể hiện tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, từ đó góp phần ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ.
Bài và ảnh: Bích Huệ
Tín dụng nhỏ giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo

... đây là mô hình cho vay theo phương thức tín chấp, số tiền nhỏ (từ 2 - 10 triệu đồng/hộ) và các chị em trả dần gốc và lãi hàng tháng nên rất phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời cũng tạo cho các chị thói quen tiết kiệm, dành dụm để vươn lên thoát nghèo ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN