“Cuộc sống của bà con ở Tà Sua - Nậm Có trước đây đói nghèo, lạc hậu, tự sản tự tiêu là chính, năm làm một vụ lúa nương nhưng vẫn chẳng đủ ăn nên thời gian rảnh rỗi là đi… phá rừng, trẻ em hầu như thất học. Thế nhưng, từ khi biết khai thác nguồn lợi của cây tuzí, đời sống dân bản được nâng lên rõ rệt, trẻ em cũng đã được đến trường…”.
Tuzí thoát nghèo
Cách trung tâm huyện lỵ Mù Cang Chải cả ngày đường, có những đoạn phải tăng bo. Chưa hết, từ trung tâm xã Nậm Có để vào được Tà Sua, nhiều đoạn chiếc xe uoát của Biên phòng Yên Bái đưa chúng tôi đi bản cứ nhảy lên chồm chồm chực hất văng người ngồi trên xe xuống vực. Anh cán bộ dẫn đường cho chúng tôi mỉm cười bỏ nhỏ: “Đây là thời điểm đường sá dễ đi nhất. Chứ gặp một cơn mưa thì núi lở chắn ngang đường. Sình lầy trơn trượt, không xe nào dám đi qua đây, chỉ có nước xuống xe đi bộ. Mà đi bộ, như chúng tôi có thể là một ngày còn như các nhà báo thì…”. Mãi rồi cũng đến được nơi cần đến.
Phải nói thế này cho rõ. Tà Sua, thực ra đấy là cái “tên chữ” của đất Lùng Cúng. Vậy thì tại sao lại Tà Sua? Anh cán bộ xã phụ trách bản, tuổi đâu mới chừng ngót nghét băm, Giàng A Chinh giải thích thế này: Tà là bãi đất rộng, bằng phẳng. Sua chỉ loài cây dại, thâm thấp, mọc thành dải dài chân núi. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng như cũng vỡ vạc ra ngay, thốt lên: “À, Tà Sua! Thế thì một mạch kéo từ Nậm Có này tới Chế Tạo của Mù Cang Chải rồi từ Túc Đán kéo tới Làng Nhì của Trạm Tấu nhiều tà sua lắm?”. Anh cán bộ phụ trách xã bản gật đầu, cười.
Bây giờ đang độ giêng hai. Mùa tuzí bung hoa. Hoa nở trắng núi rừng. La đà, cành la cành bổng, bạt ngàn hoa trắng. Chẳng hiểu cái cây tuzí là cây gì mà hoa đẹp thế? Hỏi ra mới biết, cái quả chua chát, người dưới xuôi gọi tên táo mèo là tuzí chứ đâu. Giàng A Chinh gật gù, không giấu vẻ hãnh diện: “Nếu như Mù Cang Chải là vựa táo của Yên Bái. Nậm Có coi như vựa táo của Mù Cang Chải thì Tà Sua lại là “rốn” táo của Nậm Có. Tuzí giúp bà con ở đây đổi đời!”.
“Thế tuzí có mặt trên đất này từ bao giờ?”- tôi hỏi. “Nghe người già kể lại, cây này trước đây Tà Sua không có. Một lần, vợ ông Trang Giồng Di đi sang Làng Nhỉ, Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La, thấy quả tuzí hái ăn chơi, ngon ngon thì lấy ba cây về trồng chơi ở vườn nhà. Dần dà cứ thế tuzí thành rừng”, anh cán bộ phụ trách xã bản lúc lắc đầu thủng thẳng giải thích.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Nậm Có, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trang A Thông cho biết: Tà Sua có hơn 90 hộ dân với gần 700 nhân khẩu, đa số là người Mông. Cuộc sống của bà con trước đây đói nghèo, lạc hậu, tự sản tự tiêu là chính, năm làm một vụ lúa nương nhưng vẫn chẳng đủ ăn nên thời gian rảnh rỗi là đi… phá rừng, trẻ em hầu như thất học. Thế nhưng, từ khi biết khai thác nguồn lợi của cây tuzí, đời sống dân bản được nâng lên rõ rệt, trẻ em cũng đã được đến trường.
Theo Phó Bí thư Thông, trước kia tuzí chỉ là một loại cây rừng, quả để ăn chơi, trẻ con nhặt ném nhau, đến mùa rụng đầy gốc không ai thèm lấy nhưng bây giờ thì đã khác. Từ khi tuzí mang lại nguồn lợi, người dân lên nhận trông nom và thu hoạch rồi bán cho cánh lái buôn từ dưới xuôi lên, hộ nào có công “quản lý”, bảo vệ thì nhận được nhiều hơn.
Cây đã mọc thành rừng...
Cán bộ phụ trách xã bản Giàng A Chinh, nhẩm tính rồi cho biết, trong hơn 90 hộ, hộ Thào Súa Rùa, sinh năm 1937, là đảng viên cao tuổi ở Chi bộ Lùng Cúng “quản lý” và bảo vệ nhiều nhất: Trên 1.000 gốc. Năm 2011, ông già Thào Súa Rùa hái táo bán tại rừng gần tấn quả, thu về trên 60 triệu đồng. Các hộ còn lại, hộ ít hộ nhiều, tổng cộng gần 3.000 gốc tuzí đang cho thu hoạch. Nói có sách mách có chứng, anh cán bộ phụ trách xã bản Giàng A Chinh giở sổ ra đọc cho chúng tôi nghe bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Năm 2011, với gần 3.000 gốc tuzí, dân bản Tà Sua bán ra gần 190 tấn táo quả, tiền thu về xấp xỉ 200 triệu đồng…”. Phó Bí thư Thông còn cho biết thêm: “Gần 3.000 gốc táo ở Tà Sua đã được giao cho các hộ quản lý, thu hái. Dân bản còn trồng thêm trên 160 hécta. Nhà báo thử nghĩ xem, cả Tà Sua này trên 90 hộ, 680 nhân khẩu chưa đầy chục ha ruộng cấy lúa, mà một năm chỉ cấy một vụ bằng thứ lúa “vỏ đen, gạo đỏ”, bấp bênh vì mưa đá, giá rét cộng thêm vài mảnh nương heo hắt một năm không nổi 1 tấn/hécta thì số tiền thu được nhờ cây táo kia giá trị nhường nào? Nó không những mang cái ăn, cái mặc đến với bà con đồng bào người dân tộc nơi đây mà còn mang lại nhiều nguồn lợi khác nữa…”.
Đến Tà Sua được thấy, được nghe, được chia sẻ, dùng bữa cơm, nhấp ngụm rượu men lá với đồng bào người dân tộc nơi đây, để rồi lúc ra về thấy lòng luyến nhớ. Từng làn gió nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây đất trời thoang thoảng hương hoa xuân ngan ngát, từ trên núi mây trắng như bông vờn quanh những nếp nhà gỗ của người Mông trong bản, không gian rộn lên tiếng vỗ cánh của bầy ong rừng, xen lẫn tiếng nước chảy nơi con suối đầu bản róc rách khe khẽ, thầm thì… |
Ông Thào Súa Rùa, có trên 1.000 gốc tuzí, cho biết gia đình ông vẫn lên rừng thu hái tuzí về bán cho thương lái. Thương lái là những người dân tộc Thái ở Tú Lệ, Nậm Có, người Kinh ở Nậm Búng, Gia Hội… buôn táo về bán cho khách xuôi. “Chả mấy ngày mà không có khách đến tìm mua tuzí! Những đợt “khan hàng”, họ còn đặt tiền trước nhờ tôi đi gom của các hộ trong bản, mỗi nhà một ít. Vì thế bán cũng được giá cao hơn…”, ông Rùa hớn hở.
Lại giở sổ sách, lại ngồi nhẩm tính một hồi lâu, anh cán bộ phụ trách xã bản Giàng A Chinh mới thong thả cho biết trên 2.500 gốc táo ở Tà Sua đã được giao cho các hộ quản lý, thu hái. Nhờ nguồn lợi mà nó mang lại, hiện nay dân bản còn trồng thêm những “rừng” tuzí” mới. “81 hộ, đến nay đã trồng được thêm tổng diện tích trên 160 hécta, không bao lâu nữa “rừng” tuzí mới này sẽ cho thu hoạch. Cái nghèo sẽ bị đẩy lui…”, Giàng A Chinh phấn khởi.
Dưới những cành la cành bổng bạt ngàn hoa tuzí trắng, những nếp nhà gỗ ở Tà Sua năm nào nay đã được thay mới hầu hết bằng tấm lợp phiprôximăng sáng trắng, nhiều hộ trong nhà lát gạch đá hoa, phía trước cửa là công trình nước sạch, chị em phụ nữ Mông ngồi đạp máy khâu, nhiều nhà sắm được ti vi, xe máy…
Chia tay Nậm Có, Tà Sua, chúng tôi bắt gặp những đoàn xe nối nhau chở những bao táo lao dốc, vượt đèo, làm cho con đường như nhỏ và hẹp lại. Bỗng nghe tiếng đàn môi vang lên da diết: “Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên vách đá/ Ta yêu em, ta chẳng có bụng về/ Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên núi cao/ Ta yêu em ta chẳng có lòng xa…”. Phó Bí thư Thông bắt tay chúng tôi thật chặt: “Mùng cha túa”- “Đi rồi nhớ về!”.
Linh Anh