Thưởng Tết tăng
Theo đại diện Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), năm nay tình hình sản xuất của công ty khả quan nên mức thưởng Tết Nguyên đán dành cho người lao động sẽ từ 1,2 - 2,2 tháng lương/công nhân tùy thuộc vào thâm niên và thành tích trong công việc, cao hơn mức thưởng Tết năm ngoái.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị đã có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, cố gắng đạt trên 1 tháng lương/người, với mức thu nhập của công nhân viên, người lao động đơn vị trên 10 triệu đồng/người/tháng. Theo ban lãnh đạo công ty, năm 2018, đơn vị sẽ cố gắng đưa mức thu nhập của cán bộ công nhân viên, người lao động lên cao hơn để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Tặng vé xe cho công nhân khó khăn về quê đón Tết là hành động ý nghĩa để chăm lo Tết mà các cấp công đoàn tại TP Hồ Chí Minh triển khai. |
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), hiện có hơn 300 doanh nghiệp báo cáo về tình hình chăm lo Tết và thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, mức thưởng thấp nhất dịp Tết Nguyên đán năm nay được doanh nghiệp báo cáo là 1 tháng lương/người. Ngoài thưởng Tết, hơn 800 doanh nghiệp còn có thêm nhiều hình thức hỗ trợ cho người lao động như tặng thêm quà, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết, hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe…
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh, cho biết mức thưởng Tết dương lịch cao nhất đang thuộc về một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức thưởng là 1,5 tỷ đồng. Đối với Tết âm lịch, mức thưởng cao nhất tại TP Hồ Chí Minh thuộc về một doanh nghiệp trong nước với 855 triệu đồng. Theo đó, thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp trong nước tại TP Hồ Chí Minh là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017.
Hỗ trợ người lao động khó khăn
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, trong hơn 1.900 doanh nghiệp có báo cáo tình hình thưởng Tết năm 2018 gửi về Sở, có gần 180 doanh nghiệp khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đơn hàng giảm, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, khó thu hồi công nợ... vì vậy việc thưởng Tết năm nay đối với người lao động hầu như không có.
Chị Ngô Thúy, công nhân Công ty TNHH dệt kim Fenix (khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết: "Ban giám đốc công ty vừa tuyên bố phá sản khiến 220 lao động đang làm việc tại công ty "trở tay không kịp". Hiện lương các tháng trước công ty chưa thanh toán thì làm sao chúng tôi mơ có thưởng Tết. Để đối phó với tình cảnh này, người thì mua vé xe về quê sớm, người thì chạy ngược, chạy xuôi để kiếm việc làm".
Tương tự, hơn 140 lao động của Công ty dịch công ích quận 12 cũng “không dám mơ thưởng Tết năm 2018”. Bởi từ tháng 7/2017 đến nay, công ty đã nợ lương của lao động, dù nhiều lần người lao động tụ tập đến công ty yêu cầu giải quyết tiền lương nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết đối với người lao động bị nợ lương, nợ BHXH dài ngày, mất việc làm vào thời điểm cuối năm... thì các cấp công đoàn cơ sở, địa phương cần lên kế hoạch chăm lo tết chu đáo và báo cáo về công đoàn cấp trên để giải quyết kịp thời. "Đây là việc cần làm ngay để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là trường hợp lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ…", bà Yến cho biết.
Theo kế hoạch chăm lo Tết của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, mức chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm tối thiểu là 500.000 đồng/suất; đồng thời phấn đấu trao tặng 37.000 vé tàu, xe cho công nhân về quê đón Tết qua chương trình “Tấm vé nghĩa tình” ; tổ chức chương trình “Tết sum vầy” ở cả 3 cấp công đoàn cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết...