Doanh nghiệp TP HCM nợ đọng hơn 1.140 tỷ đồng bảo hiểm

Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến cuối năm 2014 là 1.455 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 1.146 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp là 42 tỷ đồng; nợ bảo hiểm y tế là 267,5 tỷ đồng. Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/1.

Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy khởi kiện vẫn là một trong các giải pháp thu nợ có hiệu quả đối với những doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Từ năm 2008 - 2013 cơ quan này đã khởi kiện 2.242 doanh nghiệp, thu hồi 573,8 tỷ đồng (đạt 75,8% số nợ). Riêng năm 2014, đã kiện 1.717 doanh nghiệp, thu hồi gần 130 tỷ đồng, (đạt 27,1% số nợ). Năm 2014, thành phố thu trên 33.537 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng 21% so với năm 2013.

Tuy nhiên, công tác thu bảo hiểm vẫn còn hạn chế do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểu y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhận thức về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của chủ sử dụng lao động, người lao động vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chiếm dụng và chấp nhận nộp tiền phạt cùng với lãi chậm đóng, do mức lãi phạt chậm đóng quá thấp so với lãi ngân hàng dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội với số lượng lớn và thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, độ bao phủ bảo hiểm y tế tại thành phố vẫn còn thấp, đến nay thành phố có hơn 5,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (chiếm 68,25% dân số thành phố), chưa đạt yêu cầu tiến độ để đạt mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ này đạt 76%. Một trong những nguyên nhân do số người được ngân sách hỗ trợ ít, chỉ chiếm 11% trong tổng số tiền thu bảo hiểm y tế của thành phố.


Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Cao Văn Sang cho biết, trong năm tới ngành bảo hiểm thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh việc đôn đốc thu và tiếp tục khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm để giảm số nợ đọng bảo hiểm.

Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp liên ngành giữa các cấp chính quyền với cơ quan bảo hiểm xã hội, đặc biệt làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố với ngành thuế để nắm bắt danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn và đôn đốc đóng bảo hiểm; phối hợp với cơ quan thi hành án trên địa bàn để công tác khởi kiện có hiệu quả cao.


Thu Hoài (TTXVN)
Hàng trăm lao động ở Bến Tre khổ vì bị nợ lương và bảo hiểm xã hội'

Ban Giám đốc công ty đang cố gắng và đã giải quyết bước đầu một số khoản nợ cũng như các chính sách liên quan cho công nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN