Điều trị F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Chia sẻ từ người trong cuộc

Sau khi phủ vaccine 2 mũi vaccine phòng COVID-19 với tỷ lệ cao trên toàn địa bàn, người dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã bình tĩnh, tích cực hơn khi thực hiện thích ứng an toàn với đại dịch.

Hàng quán mở cửa, công việc từng bước trở lại như cũ, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ở nơi công cộng diễn ra mỗi ngày nên nhiều người không quá bất ngờ khi mình là F0. Khác với thời gian còn giãn cách xã hội, F0 trong thời gian này ở Thành phố Hồ Chí Minh có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà; góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Người là F0 cũng tự tích cóp được kinh nghiệm cho bản thân và người khác để chiến thắng được COVID-19 một cách nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 22/8/2021, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 (test nhanh) tại hẻm 466 đường Lê Văn Sỹ, phường 14, Quận 3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Hành trình cán đích '1 vạch'

Đầu tháng 11 vừa qua, anh Trần Kiên Trung (35 tuổi, ngụ Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện mình có triệu chứng mắc COVID-19 sau một cuộc họp với các đối tác tại công ty. Anh lập tức sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 để tự xét nghiệm tại nhà nhưng kết quả ban đầu là âm tính. Chưa thật sự an tâm vì các triệu chứng bệnh khá rõ ràng, anh Trung liền liên hệ dịch vụ y tế gần nhà để thực hiện xét nghiệm PCR vào hôm sau và nhận kết quả cuối cùng là dương tính.

“Tôi làm việc trong một công ty tư vấn pháp luật nên việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đối tác là không thể tránh khỏi. Trong tình hình hiện nay, tôi cùng các đồng nghiệp đều dự đoán trước việc có thể sẽ không may nhiễm bệnh. Nhưng vì đã tiêm vaccine đầy đủ và đã tự tìm hiểu, tham khảo nhiều ý kiến bác sĩ, chuẩn bị sẵn sàng phương án vượt qua dịch bệnh trong mọi trường hợp nên tôi không lo lắng”, anh Trung cho biết.

Theo anh Trung, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, anh lập tức gọi điện báo cho người thân và những người từng tiếp xúc với anh trong thời gian vài ngày qua để họ chủ động đi xét nghiệm. Sau đó anh gọi trạm y tế phường để thông báo tình hình sức khoẻ và nhận được hướng dẫn nhận túi thuốc A và tự theo dõi tại nhà vì các dấu hiệu triệu chứng của anh khá nhẹ. Anh cũng nhờ người quen mua máy đo SpO2, thuốc bổ sung kẽm, sắt. “Thuốc bổ sung kẽm, sắt được nhà thuốc giao đến tận nơi, tôi uống liên tục trong 10 ngày. Tôi ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động, sáng tập thể dục, ngày xông mũi, xông cơ thể từ 3 - 5 lần, uống nước chanh, nước cam và vitamin các loại. Bình thường, tôi hay thức khuya làm việc thì trong những ngày này tôi tập thói quen đi ngủ trước 21 giờ để cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi”, anh Trung chia sẻ. Sau 6 ngày tự điều trị, anh Trung đã có kết quả xét nghiệm âm tính và sinh hoạt lại bình thường.

Hành trình vượt qua COVID-19 của chị Trịnh Thị Minh Tâm (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) lại có phần khó khăn hơn. Chị Tâm cùng chồng mở cửa hàng buôn bán quần áo tại nhà, hàng ngày đón tiếp rất nhiều khách nên khi phát hiện mắc COVID-19 vào đầu tháng 12 này, vợ chồng chị không thể xác định được nguồn lây, chỉ có thể thông qua trang Facebook của cửa tiệm để cảnh báo đến khách hàng. Do đã được tiêm phòng vaccine hai mũi và không xuất hiện triệu chứng nên sau khi gọi cho trạm y tế phường, vợ chồng chị được chỉ định nhận túi thuốc A và tự điều trị tại nhà. 

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi bắt đầu thực hiện cách ly, chị Tâm bị mất vị giác. Kể từ đó, việc ăn uống gần như trở thành “cực hình” với chị. “Thức ăn bỏ vào miệng chẳng khác nào đang nhai giấy, dù bỏ bao nhiêu gia vị thì tôi vẫn chỉ cảm nhận được một vị nhạt nhẽo. Suốt 2 ngày sau đó, tôi gần như bỏ bữa hoặc chỉ ăn rất ít do không có khẩu vị, sức khoẻ cũng dần sa sút vì cơ thể không đủ năng lượng”, chị Tâm kể.

Được sự động viên của chồng và người thân, chị Tâm đã cố gắng ăn uống thật đầy đủ dù không cảm nhận được mùi vị. Chị nấu thức ăn thật mềm và xắt thành miếng nhỏ để dễ ăn; trái cây thì dùng máy xay thành sinh tố để uống. Vợ chồng chị cũng giữ thói quen tập thể dục đều đặn; đi ngủ đúng giờ; sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn trong nhà như chanh, mật ong, dầu, các loại lá… để xông mũi, xông họng hoặc chế biến thành món ăn, thức uống để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sau khoảng 6 ngày điều trị thì chị dần có lại vị giác và đến ngày thứ 10 thì cả hai vợ chồng chị đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Chị Tâm cũng tâm sự, trong đợt đỉnh dịch COVID-19, xung quanh chị chỉ vài người quen là F0, nhưng gần đây khi Thành phố Hồ Chí Minh thích ứng an toàn với dịch, mỗi ngày chị đều nhận tin 1 – 2 người bạn hoặc người thân trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính. Do đó, đến khi bản thân là F0, chị cũng không quá bất ngờ hay lo lắng. Hàng xóm của chị cũng không lo sợ, vẫn sinh hoạt bình thường, khác với khoảng thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội, mỗi khi khu vực nào phát hiện có ca F0 là người dân lo lắng nháo nhào. 

Anh Thái Huy Tuấn (39 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) thì tin rằng, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của trạm y tế địa phương mà anh đã thành công “chiến thắng” dịch bệnh. Bên cạnh đó, anh Tuấn cho rằng, việc được điều trị bằng túi thuốc đông y cổ truyền Vạn Xuân do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Xuân sản xuất cũng có những tác động rất tích cực đến quá trình hồi phục của mình. Được biết, bộ sản phẩm Vạn Xuân điều trị F0 tại nhà gồm: Phyllantol giúp điều hòa chức năng tiêu hoá; Dehovi giúp hạ sốt, an thần); xoang Vạn Xuân giúp thông đường hô hấp; dầu mặt trời Vạn Xuân giúp sát trùng, chống viêm đường hô hấp; nước súc miệng thảo dược và Vạn Xuân hộ não tâm giúp trợ tim, hỗ trợ hô hấp.

“Tôi uống các loại thuốc đúng theo chỉ định, ăn uống đủ dinh dưỡng và tích cực vận động cơ thể theo lời khuyên của bác sỹ. Chỉ sau gần 5 ngày phát hiện mắc COVID-19, các triệu chứng về đường hô hấp, thần kinh cơ và tiêu chảy đều giảm rõ rệt. Đến ngày thứ 7 thì tôi cảm thấy cơ thể khoẻ lại, tinh thần tỉnh táo và đến ngày thứ 9 thì nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính”, anh Tuấn chia sẻ.

Liều thuốc tinh thần quý giá

Từ thực tế những câu chuyện mà các F0 đã trải qua, nhiều người đã chia sẻ lại các kinh nghiệm mà họ đã đúc kết được khi tự điều trị tại nhà, trong đó yếu tố tinh thần luôn được nhắc đến như là một liệu pháp quan trọng, hỗ trợ tích cực cho việc nhanh chóng khỏi bệnh. 

Theo chị Huỳnh Thị Bích Trâm (33 tuổi, ngụ Quận 8), việc tạo tâm lý lạc quan, thoải mái đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, không nên quá lo lắng vì có thể khiến bệnh diễn biến phức tạp. Khi vừa biết tin mình nhiễm bệnh, dù triệu chứng khá nhẹ nhưng vì lo lắng quá độ nên chị đã bị tăng huyết áp, mất ngủ thường xuyên, tinh thần luôn căng thẳng đã khiến cơ thể kiệt sức. “Gia đình phải động viên rất nhiều, tôi mới bình ổn tâm trạng lại và sau đó khỏi bệnh rất nhanh. Tôi hy vọng mọi người dùng thái độ lạc quan, thoải mái khi đối mặt với dịch bệnh vì chúng ta đều đã được tiêm vaccine đầy đủ, nếu không có triệu chứng nặng thì không có gì phải lo lắng”, chị Trâm chia sẻ.

Anh Nguyễn Phi Long (ngụ thành phố Thủ Đức) cho rằng, mỗi gia đình có thể tự trang bị máy oxy, máy Sp02 để đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Nếu có điều kiện thì nên sắp xếp một khu vực sinh hoạt riêng trong nhà với đầy đủ vật dụng, nếu có trường hợp gia đình nhiều người mà chỉ có một người thành F0 thì lập tức cách ly, giữ an toàn cho những thành viên khác. Đồng thời chủ động tham khảo phác đồ điều trị từ trạm y tế địa phương và học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè có chuyên môn. Mỗi buổi sáng, người bệnh nên dành 15 phút tập thể dục, sau đó xông các loại tinh dầu tràm, sả, uống thêm vitamin C, uống nhiều nước và chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho bản thân.

Còn với chị Phạm Thị Thùy Trang (ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), có kinh nghiệm chăm sóc nhiều thành viên trong gia đình là F0 tại nhà thì việc quan trọng nhất là phải đảm bảo người bệnh ăn uống đầy đủ, đặc biệt là khi mất vị giác. Theo chị Trang, mất vị giác dễ làm chán ăn, do đó khi nấu nướng phải ưu tiên những loại thực phẩm mềm, dễ nuốt; ăn nhiều trái cây giàu vitamin để tăng đề kháng cơ thể. Đồng thời, bản thân người bệnh cũng phải tự động viên bản thân, giữ tinh thần lạc quan, kiên trì ăn uống đầy đủ để đủ sức chiến đấu với dịch bệnh.

Về quy trình theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, bác sỹ Cao Ngọc Nga, chuyên khoa truyền nhiễm Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người được xác định mắc COVID-19 thông qua xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính sẽ được điều trị tại nhà trong trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không suy hô hấp: SpO2 > 96% khi thở khí trời, nhịp thở  ≤ 20 lần/phút); không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Nếu không thoả một trong các điều kiện này có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.

Khi đủ điều kiện cách ly tại nhà, người F0 được cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà tiếp cận để hỏi thăm biểu hiện, tình trạng, triệu chứng của người nhiễm; phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ, cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói A-C nếu F0 có triệu chứng nhẹ). Đồng thời hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở, thở hụt hơi thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ, đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất gói B trước khi chuyển viện.

Bác sỹ Cao Ngọc Nga cũng lưu ý, F0 khi cách ly tại nhà cần giữ tâm lý luôn thoải mái, không bi quan; khi gặp khó khăn thì liên hệ ngay nhân viên y tế để được tư vấn từ xa. Ngoài ra, F0 phải thường xuyên tự theo dõi sức khoẻ, đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 ít nhất hai lần một ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở; rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khoẻ; uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy; tuyệt đối không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh; nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm…

Bài 3: Tình nguyện cùng F0 vượt qua dịch bệnh

Hồng Giang (TTXVN)
Điều trị F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: 'Chia lửa' khi tuyến đầu quá tải
Điều trị F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: 'Chia lửa' khi tuyến đầu quá tải

Từ giữa tháng 7/2021, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN