Điện Biên gian nan giữ rừng

Những năm qua, khu vực giáp ranh giữa ba xã Mường Nhà, Núa Ngam, Na Ư huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là "điểm nóng" về tình trạng phá rừng trái phép. Công tác bảo vệ rừng ở đây luôn là một bài toán nan giải đối với chính quyền địa phương.


Rừng vẫn “chảy máu”


Nằm cách UBND xã gần 50 km, bản rẻo cao Sơn Tống và Gia Phú của xã Mường Nhà nằm giáp ranh với Púng Bửa (xã Na Ư) và Na Côn (xã Núa Ngam). Đây là địa bàn diễn ra tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng trong thời gian qua.


Cây lớn bị triệt hạ ở cách xã Na Ư chưa đầy 2 km.


Trên con đường từ bản Sơn Tống đi Gia Phú, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh những sườn đồi, mỏm đồi chỉ còn trơ lại những gốc cây đen ngòm mà người dân đã đốt rừng làm rẫy. Những khúc gỗ với đường kính hơn 50 cm, dài 2 đến 3 m, bên cạnh là gần chục thanh gỗ đã qua sơ chế nằm rải rác ở mép đường. Dưới sườn dốc là gần chục cây gỗ lớn bị đốn ngã, nhiều khúc gỗ còn nguyên, mùi hăng hắc, chứng tỏ mới bị triệt hạ 1, 2 ngày trước.


Tại khe suối Huổi Hẹ, gần trung tâm bản Gia Phú, chúng tôi thấy có gần 30 thanh gỗ, mỗi thanh dài hơn 4 m, rộng và dày 20 cm được "lâm tặc" tập kết tại đây để chuẩn bị chuyển khỏi hiện trường. Đi dọc con suối, chúng tôi thấy một thân cây lớn với chu vi một người ôm nằm vắt ngang qua dòng chảy, phía gốc cây là những lóng gỗ dạng mỏng. Đây chính là nơi "lâm tặc" sơ chế gỗ, giờ chỉ còn lại lớp mùn cưa dày và hàng chục tấm ván bìa nằm ngổn ngang.


Cùng số phận của rừng ở bản Sơn Tống là khu rừng già ở gần trung tâm bản Púng Bửa, xã Na Ư. Bản Púng Bửa cách UBND xã Na Ư hàng chục km đường đồi núi quanh co, uốn khúc. Tại địa phận bản này, bên cạnh dòng suối là cửa ngõ vào bản, được dựng nên bởi một cánh cửa gỗ chắc chắn, như muốn ngăn cách bản với thế giới bên ngoài. Ngay cạnh cây cầu trước cổng vào bản là gần chục thanh gỗ đã được bào gọt, vuông vắn nằm bên đường chờ vận chuyển. Ngay bên phải của dòng suối, cách cổng vào bản 30 m, một thân gỗ lớn với chu vi khoảng 3 người ôm, dài gần 15 m bị đốn ngã nằm trải dài theo lòng suối, vết cưa còn rất mới.


Tình trạng phá rừng không chỉ xảy ra ở những địa bàn ít người như khu vực bản Gia Phú, xã Mường Nhà hay gần bản Púng Bửa, xã Na Ư mà ở ngay địa điểm cách UBND xã Na Ư chưa đầy 2 km, một thân cây chu vi một người ôm không xuể, có chiều dài hơn chục mét cũng đã bị cưa đổ. Điều đó chứng tỏ, khu vực này không được sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan chức năng.


Ba người “giữ” 27.000 ha rừng


Thực tế cho thấy, "lâm tặc" ngang nhiên phá rừng ở những bản giáp ranh ba xã Na Ư, Mường Nhà và Núa Ngam đã rõ. Điều đáng lo ngại là trong khi "lâm tặc" không ngừng “lộng hành” ở những điểm nóng này thì cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay trong việc xác định ranh giới để phân định trách nhiệm quản lý rừng.


Trao đổi với phóng viên, ông Vì Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Địa bàn xã rất rộng mà số cán bộ quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng. Cả xã có hơn 27.000 ha rừng nhưng chỉ có hai kiểm lâm "cắm" địa bàn cùng với một bảo lâm cơ sở. Theo ông Đông thì khu vực từ Sơn Tống đến Gia Phú có khu rừng giáp với xã Núa Ngam đã trở thành "điểm đen", đáng báo động về tình trạng phá rừng.


Thực trạng phá rừng ở vùng tam giác nối liền ba xã này rất nghiêm trọng, song cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa thể xác định được những khu rừng bị "lâm tặc" triệt hạ thuộc địa phận của xã nào. Khi đề cập đến tình trạng phá rừng ở khu vực bản Púng Bửa, ông Ly Nình Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư không thừa nhận thực tế này và cho rằng khu vực rừng bị "lâm tặc" chặt phá hiện nay vẫn chưa xác định được là thuộc địa phận của xã Na Ư hay là xã Núa Ngam.


Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, Phạm Văn Khiên cũng thừa nhận những khó khăn trong công tác quản lý rừng trên toàn huyện, đặc biệt là ở khu vực giáp ranh nối liền ba xã Na Ư, Núa Ngam, Mường Nhà. Theo ông Khiên, trở ngại lớn nhất là ở việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con người Mông vì cán bộ không biết tiếng Mông thì rất khó tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng đến người dân. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng gỗ và các lâm sản từ rừng, nhu cầu mở rộng đất nương để sản xuất nông nghiệp tăng, nên đã xảy ra phá rừng làm rẫy trái phép.


Vì những lí do trên mà tình trạng phá rừng ở vùng giáp ranh giữa các xã vẫn đang nóng lên từng ngày. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để trả lại sự bình yên cho núi rừng Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.



Bài và ảnh: Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN