Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tái bùng phát dịch lợn tai xanh. Các cơ quan chức năng đã khoanh vùng, rà soát và tổ chức tiêu huỷ những con lợn bị bệnh.
Dịch lợn tai xanh được phát hiện tại 8 hộ dân ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn với 151 con lợn mắc bệnh. Sau khi lấy mẫu gửi ra Trung tâm Thú Y vùng 4 (tại Đà Nẵng) xét nghiệm, tất cả những mẫu này đều dương tính với vi rút Lelystad (vi rút gây rối loạn sinh sản và hô hấp). Đến sáng 29/9, lực lượng thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu huỷ bắt buộc 67 con lợn.
Ông Nguyễn Thành Nam , Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng hàng loạt con lợn mắc bệnh với triệu chứng đồng loạt bỏ ăn, sốt cao và chết, Chi cục đã tiến hành gửi mẫu để xác định bệnh; khẩn trương rà soát, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng vùng bị dịch. Hiện thú y cơ sở tiếp tục hướng dẫn người dân tách đàn và theo dõi, điều trị bệnh. Nếu những con lợn có tiến triển tốt thì tiếp tục điều trị, những con có chiều hướng bệnh nặng thì tiến hành tiêu huỷ bắt buộc.
Còn theo Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh, đến ngày 29/9 dịch lợn tai xanh đã lan ra 11 xã tại 3 huyện với tổng số lợn bị bệnh là 614 con, số đã tiêu hủy là 183 con. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh lợn tai xanh là do mầm bệnh vẫn tồn tại ở các ổ dịch cũ, do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao và tư tưởng chủ quan, lơ là của người dân nên dễ phát sinh và phát tán dịch bệnh. Mặt khác, vì lợi ích kinh tế, phần lớn các hộ dân khi có lợn bệnh, chỉ sau 3 ngày điều trị không khỏi đã tiến hành “bán chạy”, khiến dịch bệnh lây lang sang các vùng khác. Hiện Chi cục Thú y đang triển khai tiêm vắc xin ngừa bệnh tai xanh trên địa bàn các huyện có lợn bị bệnh và vùng lân cận.
Dịch lợn tai xanh đã lan ra ở 8 xã tiếp giáp của huyện Châu Thành (tỉnh Long An). N gày 22/9, UBND tỉnh công bố dịch tai xanh ở 2 xã Hiệp Thạnh và Vĩnh Công; hiện dịch đã xuất hiện tại các xã Hoà Phú, Bình Qưới, Phú Ngãi Trị, Dương Xuân Hội, Phước Tân Hưng, thị trấn Tầm Vu với gần 1.800 con lợn bị bệnh, trong đó đã tiêu huỷ hơn 200 con, số còn lại đang theo dõi xử lý.
Nguyên nhân bệnh lợn tai xanh lan nhanh ở địa phương đang được tiếp tục làm rõ nhưng dư luận người dân cho rằng do công tác quản lý của ngành thú y trong thời gian qua chưa chặt chẽ, để thương lái mua lợn không rõ nguồn gốc ở các tỉnh ngoài, các huyện tiếp giáp biên giới đem về, vận chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hiện ngành thú y tỉnh tăng cường cán bộ phối hợp với cán bộ thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng toàn bộ đàn lợn trong huyện, khử trùng vệ sinh 100% chuồng trại; nghiêm cấm bà con ở các xã trên không phát triển chăn nuôi, chờ hết dịch. Huyện thành lập 2 trạm kiểm soát dịch ở đầu mối tỉnh lộ 827 A và 827 B từ tỉnh Tiền Giang qua huyện Châu Thành để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
TTXVN/Tin tức