Trong nước ghi nhận 5.887 ca mắc mới, nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh (4.692 ca), tiếp theo là Bình Dương (345 ca), Đồng Nai (147 ca), Đồng Tháp (101 ca), Long An (89 ca), Khánh Hoà (60 ca), Phú Yên (55 ca), Đà Nẵng (46 ca), Tây Ninh, Hà Nội (mỗi địa phương 42 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (41 ca), Vĩnh Long (38 ca), Bình Thuận (37 ca), Tiền Giang (31 ca), Cần Thơ (26 ca) , Kiên Giang (19 ca), Bến Tre (17 ca), Hưng Yên (13 ca), Bình Phước (7 ca), Bình Định (6 ca), Nghệ An (5 ca), Sóc Trăng, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận (mỗi địa phương 4 ca), An Giang (3 ca), Bắc Giang, Hà Nam (mỗi địa phương 2 ca), Đắk Nông, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca); có 4.960 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 19 giờ 30 ngày 18/7, Việt Nam có tổng cộng 51.771 ca ghi nhận trong nước và 2.059 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 50.201 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 18/7, có thêm 355 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.667 ca.
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả nước đã thực hiện 4.525.027 xét nghiệm cho 11.975.213 lượt người; đã thực hiện tiêm chủng 4.261.252 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người đã được tiêm 1 mũi là 3.956.254; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 304.998.
Có 29 ca tử vong từ ngày 4-17/7/2021 tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Bắc Giang, Đà Nẵng và Hà Nội được công bố.
Phối hợp chặt chẽ để phòng, chống dịch ở các tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Văn bản 970/TTg-KGVX ngày 18/7/2021 về việc thành lập "Tổ công tác đặc biệt" phòng, chống dịch COVID-19 của các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan…
Trong văn bản 971/TTg-KGVX ngày 18/7/2021 gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trướng yêu cầu thống kê nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 8/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần phân loại thành 2 nhóm. Thứ nhất, nhóm những địa phương tương đối an toàn (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) cần tiếp tục thực hiện chiến lược “ngăn chặn-phát hiện-truy vết-khoanh vùng-dập dịch và điều trị” như các địa phương đang kiểm soát được dịch. Nhóm thứ hai gồm các địa phương có lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…, cần có giải pháp và cách làm mới phù hợp hơn.
Do đó, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải chia “2 mũi giáp công” linh hoạt trong phòng, chống dịch. Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu lái xe, người đi trên trên xe có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ: Trong chính mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ thấp hơn. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương có nguy cơ cao mà còn đảm bảo an toàn cho khu vực khác có nguy cơ thấp hơn. Bên cạnh đó, tùy tình hình dịch bệnh, đặc điểm kinh tế-xã hội như sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết yếu..., mỗi địa phương có cách triển khai áp dụng Chỉ thị 16 phù hợp, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả nhưng không ảnh hưởng "không đáng có" tới an sinh xã hội của người dân.
Liên quan đến hiện tượng một số người dân tự đi mua dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Hiện Bộ Y tế quy định rõ, các cơ sở y tế là những đơn vị thực hiện các xét nghiệm nhanh này. Do đó, người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng chính xác.
Ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, các địa phương khu vực phía Nam tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp. Hiện ngành y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính. Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”. Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.
Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu và xấu hơn”
Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm… Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu…
Số ca mắc mới trong tuần qua của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, với nguy cơ dịch bệnh bùng phát hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, mọi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.