Từ 1 - 3/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Mạng lưới cây ăn quả nhiệt đới quốc tế (TFNet), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo quốc tế “Siêu quả - ảo tưởng hay thực tế”.
Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Quang Đãng (Viện Nghiên cứu Rau quả) về tiềm năng cũng như giá trị kinh tế của siêu quả nhiệt đới của Việt Nam.
´Thưa ông, siêu quả là một khái niệm vô cùng mới mẻ đối với nhà nông, thậm chí là đối với cả các nhà khoa học của Việt Nam. Vậy, ông có thể cho biết thế nào là siêu quả?
Đúng là với người tiêu dùng và cả các nhà nông học Việt Nam, siêu quả còn là một khái niệm vô cùng mới lạ. Siêu quả không phải là những loại trái cây có khối lượng, kích thước lớn hay diện tích gieo trồng nhiều; mà thực chất nó chứa một hàm lượng lớn các chất chống oxi hóa, làm trẻ hóa các tế bào, giúp con người trẻ hơn, khỏe hơn.
´Vậy những trái cây nào của Việt Nam được xếp vào loại siêu quả, thưa ông?
Hiện tại mới chỉ có một số ít loại quả mọng (berries) trồng ở vùng á nhiệt đới như: lựu, dâu tây... được xếp vào nhóm siêu quả. Các loài cây này có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong quả, rất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đó là siêu quả ôn đới. Còn ở nước ta, cho đến nay, chưa chính thức xếp bất cứ một loại quả nào vào danh sách siêu quả nhiệt đới.
Tại hội thảo lần này, các nhà khoa học của Việt Nam và TFNet sẽ cùng bàn bạc, thảo luận để bổ sung các thuộc tính khác có trong các loài cây ăn quả ngoài những loài siêu quả đã được xác định, mà những thuộc tính này cũng rất có lợi cho sức khỏe con người. Trên cơ sở đó, TFNet sẽ bổ sung một số loại trái cây nhiệt đới và á nhiệt đới khác vào diện siêu quả.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, trái cây của Việt Nam rất đa dạng, nhiều loại trong số đó có thể được xếp vào diện siêu quả. Nhưng để biết được những loại trái cây nào được coi là siêu quả thì chúng tôi và các nhà khoa học của TFNet sẽ còn phải bàn thảo trong hội thảo diễn ra từ 1 - 3/7. Hội thảo sẽ thống nhất, đưa ra tiêu chí bổ sung cụ thể để làm căn cứ xác định một loài cây ăn quả có phải là siêu quả hay không. Nhiều khả năng các loại trái cây như: bưởi, nhãn, chuối... của Việt Nam được xếp vào diện siêu quả. Đặc biệt, bưởi da xanh của đồng bằng sông Cửu Long là một trong những ứng viên nặng ký trong danh sách siêu quả nhiệt đới. Loại trái cây này không chỉ được người tiêu dùng trong nước mà cả ngoài nước ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon, không có hạt mà hàm lượng dinh dưỡng, các loại vitamin khá cao, rất tốt cho sức khỏe.
Bưởi da xanh là một trong những ứng viên trở thành siêu quả nhiệt đới. |
´Việc xác định những trái cây thuộc diện siêu quả nhiệt đới có mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nông không hay đơn thuần đây chỉ là xếp loại về mặt nghiên cứu khoa học, thưa ông?
Tôi xin khẳng định, việc đưa một số loại quả của Việt Nam vào diện siêu quả chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nhà vườn, đặc biệt là cho những hộ trồng cây ăn quả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - nơi có đến gần 300 ngàn ha trồng cây ăn quả, chiếm khoảng 34,6% trong tổng số 832.720 ha cây ăn quả của cả nước (số liệu năm 2012).
Lợi ích tôi muốn nói tới ở đây chính là khía cạnh xuất khẩu. Tại các nước phát triển, mức tiêu thụ trái cây ngày càng tăng, nhất là siêu quả. Và xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam cũng sẽ như vậy. Tại sao lại có chuyện đó? Khi xã hội càng phát triển, đời sống kinh tế gia tăng, người dân có nhiều thông tin, có nhiều sự hiểu biết hơn về dinh dưỡng và sức khỏe thì họ có xu hướng lựa chọn những loại lương thực, thực phẩm, trong đó có trái cây, có tác dụng tốt cho sức khỏe của họ. Như vậy, một loại cây ăn quả nào đó của ta mà được xếp vào nhóm siêu quả chắc chắn sẽ được người tiêu dùng quan tâm hơn.
Khi nhu cầu về siêu quả lớn sẽ tạo điều kiện cho nhà vườn thâm canh, mở rộng diện tích siêu quả, từ đó giúp gia tăng giá trị kinh tế cho trái cây Việt Nam.
´Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển siêu quả nhiệt đới của Việt Nam?
Tôi cho rằng, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển, mở rộng diện tích siêu quả, nếu có loài nào đó được xếp vào nhóm này. Việt Nam có lợi thế là trồng được nhiều loài cây khác nhau, nhiệt đới, á nhiệt đới, thậm chí vùng cao miền núi phía Bắc có thể trồng được cả cây ôn đới, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi rất có lợi thế phát triển cây ăn quả. Nếu các địa phương có một chiến lược phát triển cây siêu quả tốt, các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường tiêu thụ thì nhiều vùng trên nước ta rất có triển vọng phát triển trồng cây siêu quả; góp phần tăng thu nhập cho nhà nông.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Tím (thực hiện)