Đến bao giờ bài toán chỗ chơi ở khu chung cư được giải quyết

Những năm gần đây, các chung cư cao tầng tại Hà Nội mọc lên như nấm sau mưa nhưng chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà mà “quên” đi chỗ chơi dành cho trẻ.

“Trắng” chỗ chơi, người dân tìm cách "lách"

Khu đô thị mới Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công từ năm 1997 với quy mô trên 200 ha, bao gồm 2 khu dân cư: Khu nhà ở bắc Linh Đàm và khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở bán đảo Linh Đàm. 

Tại một tòa chung cư ở Trần Quý Kiên, hành lang của tòa nhà được trưng dụng làm chỗ đỗ ô tô và lắp đồ tập thể thao cho người lớn.

Theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, khu Linh Đàm chỉ có khu đô thị bán đảo Linh Đàm cùng với 1 công viên cây xanh và công viên tuổi thơ. Nhưng đến nay hàng loạt các khu chung cư khác mọc lên không đi kèm với hạ tầng, công viên, khu vui chơi nên đã phá vỡ quy hoạch này.


Chị Nguyễn Thị Lan Anh (Tòa nhà Nơ 7a, Bán đảo Linh Đàm) cho biết: “Những năm trước đây, đồ chơi ở công viên tuổi thơ được đầu tư mới nhưng nay đã cũ, hỏng. Điều này thấy rõ nhất từ khi khu chung cư HH được hình thành với vài chục nghìn hộ dân nên chỉ trong khoảng nửa năm đồ chơi đã xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng 3 năm trước đây trẻ con vẫn chơi đu quay, vòng quay chén ở công viên tuổi thơ nhưng 1 năm trở lại đây thì đồ chơi này đã gãy, hỏng, không sử dụng được nữa. Nguyên nhân là mật độ sử dụng nhiều và có khi người lớn cũng leo lên ngồi”.

Đồ chơi ở công viên Tuổi thơ (Khu đô thị Linh Đàm) đã bị hỏng hóc, nhiều trẻ em không dám tới gần.

Khu đô thị mới Linh Đàm có 10 tòa (từ Nơ1- Nơ10), mỗi tòa 11 tầng, trong đó có 1 tầng chung và 10 tầng để ở. Mỗi tầng có 10 căn hộ. Đến nay, trong bán đảo Linh Đảm có thêm 5 tòa chung cư, mỗi tòa hơn 30 tầng. Riêng khu chung cư HH có 12 tòa, mỗi tòa 40 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ. Như vậy tính ra số hộ dân 1 tòa của khu chung cư HH đã bằng cả khu bán đảo Linh Đàm. Trong khi khu vui chơi chỉ có mỗi công viên cây xanh.


Chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: “Chỉ có không gian chơi như vậy nhưng đôi khi người lớn cắm sân chơi bóng chuyền từ chiều đến 10 giờ tối. Những đứa trẻ bị mất chỗ chạy nhảy, hoặc có chơi gần đấy cũng rất nguy hiểm vì sợ bóng bay vào người”.


Trước thực tế này, một năm trở lại đây, ban quản trị một số tòa nhà cũng vận động người dân khai thác các khu hành lang quanh tòa nhà để đầu tư cơ sở vật chất đồ chơi ngoài trời cho trẻ em. 


Tình trạng khu chung cư “trắng” chỗ chơi cho trẻ em cũng xảy đến với hàng chục tòa chung cư ở Trần Quý Kiên- Trần Đăng Ninh ( quận Cầu Giấy, Hà Nội). Hay những khu chung cư mới xây như Kim Văn- Kim Lũ với chục nghìn căn hộ được hình thành trong các tòa nhà nhưng ngay cả chỗ gửi xe cũng không đủ, chưa nói đến sân chơi dành cho trẻ em.


Tại các điểm nóng về xây dựng như quận Nam Từ Liêm thì các khu chung cư cao tầng mọc lên rất hạn chế đầu tư về sân chơi cho trẻ em. Mới đây nhất là khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cả khu có tới vài chục nghìn hộ dân nhưng chỉ có một khoảnh đất 120 m2 là chỗ chơi chung. Với dân số khá trẻ, nhiều gia đình có ít nhất từ 1 - 2 trẻ nhỏ nên ban quản trị đề xuất các hộ dân đóng góp để mua đồ chơi ngoài trời cho trẻ.


Chị Nguyễn Thị Mai Hương (Khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn) cho biết: “Sau khi được sự đồng ý của chủ đầu tư, Ban quản trị tòa nhà vận động mỗi hộ đóng 1 triệu đồng. Rất nhiều người ủng hộ, trong đó có những người đóng hơn con số 1 triệu đồng, có những hộ chỉ đóng 200 - 300 nghìn đồng. Cả tòa nhà thu được hơn 200 triệu đồng. Tòa bộ số tiền này đã được chúng tôi mua đồ chơi cho trẻ. Rất nhiều cư dân khu vực lân cận cũng cho trẻ tới chơi”.


Triệt để dẹp lấn chiếm trái phép


Chia sẻ về thực tế này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định: “Khi thiết kế các tòa nhà, khu đô thị đều đưa ra tiêu chuẩn có sân chơi cho trẻ em. Nhưng ở nhiều nơi cho thấy, chỗ chơi của trẻ đã bị lấn chiếm làm nơi giữ xe máy, nơi bán hàng. Vấn đề ở đây là tại sao chỗ bán hàng, chỗ gửi xe lại được lấn chiếm. Phải là ban quản lý khu vực đó cho phép với động cơ vụ lợi, được tiền, được “bôi trơi” % thì những việc làm trái phép ấy mới ngang nhiên tồn tại”.

Các tòa nhà ở Kim Văn - Kim Lũ mới xây nhưng người đến đỏ mắt tìm chỗ gửi xe chứ chưa nói đến sân chơi cho trẻ em.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Nếu muốn thay đổi thì cần giải quyết bất hợp lý trên. Cụ thể, chỗ gửi xe là cần thiết, nhưng bán hàng lấn chiếm là không được. Trẻ em chơi có giờ, thường là cuối giờ chiều, tối hoặc khi mùa hè tới cần không gian chơi bóng. Khi có nhận định như vậy thì ban quản lý khu vực cũng cần cân đối các nhu cầu. Ví dụ, khi trẻ em chơi thì không gửi xe nữa. Để thực hiện được điều này thì Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cần có văn bản tới các quận, quận sẽ hướng dẫn các ban quản lý tòa nhà thực hiện. Trong quá trình đó, các ban ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc”.


Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh xa hơn, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, khi nghiệm thu các tòa khu chung cư, khu đô thị, các cơ quan chức năng cần mạnh tay từ chối các chủ đầu tư không thực hiện các hạng mục sân chơi, cây xanh. Bởi thực tế, quy định là có, luật cũng bắt buộc các khu đô thị mới hay chung cư cao tầng có công viên, cây xanh, khuôn viên vui chơi giải trí. Tuy nhiên, các công trình nghiệm thu bị khuyết đi những hạng mục này khá nhiều.


Dù vậy, trẻ thiếu chỗ chơi vẫn luôn là bài toán đau đầu tại các tòa chung cư, khu đô thị mới mọc lên. Làm sao để giải quyết những vấn đề lấn chiếm trái phép, những nghiệm thu công trình còn qua loa. Câu trả lời đã có nhưng để thực hiện là điều không dễ trước thực trạng hiện nay.

Clip khu chung cư ở phố Trần Quý Kiên (Quận Cầu Giấy, Hà Nội):




HA/Báo Tin tức
Lắp camera ở nhà trẻ, nên hay không?
Lắp camera ở nhà trẻ, nên hay không?

Còn nhớ trong một thí nghiệm ở quán ăn, để nâng cao chất lượng phục vụ, người ta thay các tấm khăn trải bàn bình thường bằng tấm khăn có in hình những cặp mắt - biểu tượng của sự giám sát. Kết quả là nhân viên dọn bàn làm việc nghiêm túc hơn; bàn được lau dọn sạch sẽ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN