Hỗ trợ người nghèo trong các khu phong tỏa
Suốt những ngày qua, hình ảnh người lao động sống chật vật trong căn nhà thuê trọ khiến nhiều người thương cảm với những số phận nghèo khó. Hay những dãy phố vốn tấp nập nhưng nay cửa đóng then cài; con đường về đêm vắng vẻ trong ánh đèn vàng vọt; những vất vả, khó nhọc của lực lượng tuyến đầu chống dịch... đã phần nào phản ánh tác động do dịch bệnh mang lại. Trong lúc này, mọi người đang phải gồng mình chống dịch, làm tất cả mọi việc để dịch bệnh lắng lại, cuộc sống của người dân đỡ vất vả.
Đồng cảm với những khó khăn của những người chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhiều nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng được lan tỏa nhằm chia sẻ yêu thương. Những tấm lòng hảo tâm thể hiện sự đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách với những người gặp khó khăn trong lúc này. Người lao động nghèo, người trong khu phong tỏa được giúp đỡ về vật chất và được tiếp thêm nguồn năng lượng về tinh thần. Lực lượng tuyến đầu ngày đêm căng mình chống dịch được động viên, khích lệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng ngày, rất nhiều nhà hảo tâm không quản ngày đêm, sớm tối đã làm hết sức mình hỗ trợ cho các lao động nghèo, các khu phong tỏa, đội ngũ tuyến đầu chống dịch và cho cả cộng đồng. Có thể là khoản kinh phí rất lớn nhưng có lúc là công sức bỏ ra, nhưng tất cả đều rất đáng trân trọng.
Mới đây, Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan khai trương “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, hỗ trợ cho những người lao động và sinh viên đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của gần 1.000 lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do dịch COVID-19, sinh viên nghèo "mắc kẹt" tại các khu ký túc xá, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các nhóm đối tượng khó khăn khác. Mỗi hộ gia đình được phát phiếu quà tặng trị giá 400.000 đồng để mua hàng tại siêu thị. Đối với người dân bị "mắc kẹt" tại khu cách ly phong tỏa không thể ra ngoài, những chuyến xe của Ban Tổ chức sẽ mang hàng hóa nhu yếu phẩm đến tận nơi. Chia sẻ niềm xúc động, chị Nguyễn Thị Nga, phường Đức Thắng cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, nhiều người gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Siêu thị mini 0 đồng đã hỗ trợ phần nào cuộc sống cho chúng tôi”.
Lòng tốt tiếp tục được lan tỏa ra cộng đồng. Các cơ quan, đoàn thể, nhóm cá nhân tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho những địa điểm, những người còn gặp khó khăn. Đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của người dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quốc Oai đã xây dựng “Cửa hàng 0 đồng” đặt tại các khu vực bị phong tỏa trong huyện. Cửa hàng mở cửa vào các buổi sáng trong tuần, cung cấp cho người dân trong khu vực này những nông sản trong vùng như trứng, miến, rau xanh… Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quốc Oai Lê Thị Thu Hà, để có sản phẩm cung ứng đều cho các cửa hàng, Hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp và hội viên cùng đóng góp sản phẩm. Hàng ngày, Hội căn cứ vào nhu cầu của người dân để điều chỉnh hàng hóa cho phong phú.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Nhiều người đã nhắc tới chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp Nhóm Thần tốc Hà Nội tổ chức, với sự yêu mến vô vàn. Chương trình đã trao bữa cơm cho người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Hà Nội, trong thời gian Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội. Tình nguyện viên tham gia chương trình đã phát trung bình mỗi ngày hàng nghìn suất ăn tại các khu vực như: Phúc La, Vĩnh Hưng, cầu Long Biên, Chương Dương, Phúc Tân, Tân Triều… Những suất ăn nghĩa tình mang theo tình cảm, sự sẻ chia của những người hảo tâm, làm ấm lòng bà con đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Rất nhiều nơi trên các tuyến đường Hà Nội, các điểm cung cấp rau xanh, thực phẩm miễn phí cho người nghèo được dựng nên như: Điểm phát gạo, mì, nước uống tại 68 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; điểm phát thực phẩm tại 47 Bát Đàn… Cảm động hơn là hình ảnh các đoàn y bác sĩ tại các bệnh viện tại Hà Nội cũng như các địa phương phía Bắc hối hả vào chi viện cho các tỉnh, thành phía Nam để chống dịch. Gác lại gia đình, gác lại công việc còn dang dở, các chiến sĩ áo trắng lên đường với quyết tâm cao và hẹn trở về khi miền Nam hết dịch.
Các cấp chính quyền, đoàn thể của thành phố Hà Nội khẩn trương hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong lúc này. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho công nhân bị cách ly và công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các suất quà là nhu yếu phẩm (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng) cho 3.180 hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới ban hành quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn…
Sự hỗ trợ trong lúc này, dù không nhiều so với những khó khăn những người lao động nghèo, người đang trong khu vực phong toả, những người tuyến đầu chống dịch đang gánh chịu nhưng hàm chứa trong đó những ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần không thể đo đếm được. Đó là sự sẻ chia, đồng cảm, là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong điều kiện thành phố Hà Nội và cả nước đang phải đối mặt với dịch bệnh, để không ai bị bỏ lại phía sau. Dù cuộc sống ngày nay đã thay đổi, lối sống, cách nghĩ cũng đã khác trước nhưng lòng tốt chưa bao giờ vơi. Nhất là trong lúc này, điều kiện càng khó khăn thì lòng tốt càng được nhân lên. Hai tiếng “đồng bào” trở nên thiêng liêng và ấm áp hơn bao giờ hết.