Bà Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho biết: Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Công đoàn. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Công đoàn Viên chức Việt Nam xây dựng quy chế khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Ngày 15/6/2022, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thi đua khen thưởng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật có rất nhiều điểm mới và thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về "tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”.
Công tác thi đua khen thưởng theo Quy chế 1689 của tổ chức Công đoàn ngày 12/11/2019; đến nay so Luật Thi đua mới và thực tiễn trong quá trình áp dụng cho thấy, một số nội dung đã không còn phù hợp.
“Để có căn cứ pháp lý cũng như nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng trong các cấp công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng dự thảo sửa đổi Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Hôm nay chúng ta tổ chức góp ý cho dự thảo này. Việc góp ý tập trung vào một số nội dung như: Danh hiệu Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn lao động; Danh hiệu Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương; Bằng khen Tổng Liên đoàn, bằng khen toàn diện, bằng khen chuyên đề; Bằng khen của Liên đoàn lao động thành phố, Công đoàn ngành Trung ương…”, bà Trần Thị Kim Anh cho biết.
Góp ý vào dự thảo, đại diện Công đoàn các bộ ngành cho rằng, quy định số lượng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động xét tặng hàng năm cho Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bảo đảm tỷ lệ không quá 2% tổng số Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ngành Trung ương, là thấp. Bởi với đầu mối như hiện này, với tỷ lệ này, thì rất ít đơn vị được khen thưởng. Do đó, đại diện công đoàn các bộ ngành đề xuất nâng tỷ lệ này lên, cho phù hợp với đặc thù của Công đoàn Viên chức Việt Nam.