Để đảm bảo những phần quà Đại đoàn kết được trao tận tay người dân một cách sớm nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Việt Nam chủ trương cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà. Theo đó, chỉ cần có chữ ký của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư, người dân có thể nhanh chóng tiếp cận được những phần quà có ý nghĩa này.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và một số tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình, đồng thời thống nhất với các cơ quan về phần quà, phương thức, nội dung, thời gian hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan để triển khai tốt nhất Chương trình có ý nghĩa nhân văn này.
Theo ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước mắt, Chương trình phấn đấu vận động ít nhất 1 triệu phần quà Đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Để đảm bảo tính cấp thiết, ngay sau khi phát động Chương trình vào ngày 25/8, Ban Cứu trợ Trung ương đã chuyển kinh phí phân bổ đợt 1 về các địa phương với số tiền 117 tỷ đồng. Đối với các phần quà là hàng hóa trị giá 70 tỷ đồng (30 tỷ đồng từ nguồn đóng góp, vận động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 40 tỷ từ nguồn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) sẽ chuyển hỗ trợ trực tiếp đến các địa phương. Giá trị mỗi phần quà tối đa 300.000 đồng, mức cụ thể bằng với mức của từng địa phương đang thực hiện.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, qua thực tế triển khai, là những người luôn gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mỗi cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định được những đối tượng ở địa phương thực sự cần được hỗ trợ, qua đó khắc phục được tình trạng trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng hỗ trợ. Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong nhân dân, từ đó phát huy truyền thống "Tương thân tương ái" của người Việt Nam khi đồng bào đang gặp khó khăn.
Trong quá trình triển khai Chương trình, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ tại các địa phương. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hỗ trợ nhằm phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, để đảm bảo những phần quà được trao tận tay người dân gặp khó khăn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương cắt giảm tối đa thủ tục chi trả, phân bổ phần quà. Chỉ cần có chữ ký của chính quyền địa phương và cán bộ Mặt trận khu dân cư, người dân có thể tiếp cận được những phần quà có ý nghĩa này.
Không chỉ riêng Chương trình Triệu phần quà Đại đoàn kết, Mặt trận Tổ quốc còn được giao là đơn vị đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác để thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, cụ thể là tổ chức thống kê, rà soát và tổ chức, điều phối lực lượng phân bổ, hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một Trung tâm An sinh xã hội đã được thành lập, với người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố. Đây là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ, nhưng đã phát huy được tính hiệu quả, kịp thời và thể hiện tốt vai trò, tinh thần xung kích của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tích cực thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP, phát huy vai trò của mình trong việc góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh...
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu sâu sắc hơn việc phải tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng trong bối cảnh đại dịch. Đồng thời, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ đến tận cơ sở rà soát các đối tượng để nắm bắt được nhu cầu của người dân, trên cơ sở đó có những hoạt động vận động hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tại các địa phương đang thực hiện giãn cách tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng: “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Ngày 25/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thành lập Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm Trưởng Tiểu ban. Trên cơ sở đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò của mình, tập hợp, huy động mọi nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để hỗ trợ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của đất nước.
Từ lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đặc biệt cùng sự đồng lòng của người dân, ông Lê Tiến Châu bày tỏ tin tưởng, tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa và là sức mạnh giúp đất nước sớm vượt qua đại dịch COVID-19.