Để Tết Tân Sửu thêm đầm ấm - Bài 1: Chung tay lo Tết cho người lao động

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, tuy nhiên các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nỗ lực chung tay lo Tết cho người lao động.

Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước trong năm 2020 chững lại, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch cũng khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất kinh doanh; hàng trăm ngàn lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên. Trong bối cảnh đó, các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực chung tay chăm lo Tết cho người lao động. 

Bài 1: Chung tay lo Tết cho người lao động

Cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp tập trung phục hồi, tăng tốc hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất, sau thời gian trầm lắng do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm này, người lao động cũng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, hy vọng khoản lương, thưởng Tết bù đắp cho một năm đầy khó khăn, trước khi bước vào năm mới Tân Sửu 2021.

Chú thích ảnh
Các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực chung tay chăm lo Tết cho người lao động. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Lo thêm một tháng lương

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục, gia tăng sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng thang bảng lương, thưởng Tết; đồng thời cam kết giữ mức lương, thưởng cuối năm bằng hoặc cao hơn so với năm trước.

Điển hình như Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng có khoảng 1.200 công nhân lao động hoạt động cả trong nước và nước ngoài. Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, hơn nửa năm nay (từ tháng 3-9/2020), đơn vị này gần như không có đơn hàng, công nhân phải nghỉ làm luân phiên, kéo giãn thời gian làm việc. Đến tháng 10/2020, doanh nghiệp dần khôi phục trở lại, mọi hoạt động diễn ra trong trạng thái bình thường mới, công nhân đi làm đầy đủ và ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, Tết năm nay, đơn vị dự kiến dành khoảng 9 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. “Tuy chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, nhưng lãnh đạo công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết tương đương 1 tháng lương thực lĩnh như mọi năm để mọi người an tâm, đón Tết cổ truyền ấm áp cùng gia đình”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yen Việt Nam, sau 3 tháng bị tác động bởi dịch COVID-19 (từ tháng 4-6), đến nay doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và đang tăng tốc cho các đơn hàng cuối năm. Cùng thời điểm này, Công ty đang có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn lao động mới để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, phục vụ các hoạt động sản xuất trước, trong và sau Tết Tân Sửu với khí thế mới, thi đua lao động sản xuất.

Về mức lương, thưởng Tết năm nay, ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yen Việt Nam cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thưởng Tết tối thiểu, tương ứng với một tháng lương thực lĩnh của công nhân lao động. “Như vậy, với khoảng 57.000 công nhân, Công ty Pou Yen Việt Nam dự chi trên 550 tỷ đồng để thưởng Tết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng ban lãnh đạo Công ty sẽ duyệt chi mức thưởng Tết cao hơn mức dự kiến ban đầu nhằm động viên, biểu dương người lao động đã gắn bó, cùng doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn nhất”, ông Cù Nghiệp Phát chia sẻ.

May mắn hơn, trong thời gian dịch bệnh, Công ty cổ phần dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp đảm bảo các đơn hàng, việc làm cho người lao động, như sản xuất khẩu trang, hàng bảo hộ y tế; phát triển thêm khách hàng mới; đồng thời xây dựng những giải pháp mới để giảm chi phí trong sản xuất. Từ những giải pháp trên, Công ty không chỉ đảm bảo việc làm cho người lao động, mà còn tăng thu nhập bình quân cho người lao động thêm 2% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công cho biết, về cơ bản Công ty đảm bảo tất cả người lao động đều có chế độ thưởng cuối năm bằng lương tháng 13. Ngoài ra, người lao động còn có thưởng thành tích năm dựa vào xếp loại, đánh giá cá nhân. 

“Nếu công nhân xếp loại X thì thêm tháng lương thứ 14, xếp loại Y thì thêm nửa tháng lương nữa; với nhân viên gián tiếp thì tiền thưởng thành tích bằng một nửa đến 1,5 tháng lương. Ngoài ra, Công đoàn công ty cũng chuẩn bị quà Tết trị giá trên 400.000 đồng/phần, tổ chức bữa tiệc tất niên họp mặt cuối năm cho toàn thể cán bộ công nhân viên; với người lao động không về quê ăn Tết còn được dự tiệc tân niên đầu năm và lì xì chúc Tết 200.000 đồng/người”, ông Nguyễn Hữu Tấn chia sẻ.

Khảo sát trên 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa bàn quận Gò Vấp, ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận cho biết, các doanh nghiệp hầu hết đều có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động bằng tháng lương 13. Một vài doanh nghiệp, tuy gặp khó khăn bởi tác động của dịch COVID-19 nhưng vẫn cố gắng trả đầy đủ lương và thưởng cho người lao động nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.

Mở rộng diện chăm lo Tết

Đồng hành cùng doanh nghiệp, các cấp Công đoàn thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, có vợ, chồng hoặc con mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; được mổ tim theo chương trình “Trái tim nghĩa tình”; các gia đình đoàn viên tiêu biểu có đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong Chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, Liên đoàn Lao động thành phố cùng công đoàn cấp trên cơ sở nỗ lực phấn đấu vận động đạt 35.000 vé tàu, xe, máy bay tặng đoàn viên, người lao động về quê đón Tết năm nay.

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, điểm mới chăm lo Tết năm nay là hướng đến người lao động bị mất việc hoặc không có việc làm ổn định do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là nữ công nhân lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập; đoàn viên bị nợ lương, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động tại doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng Tết.

“Đặc biệt, Công đoàn thành phố cùng với các ngành còn dành nhiều phần quà, thưởng Tết chăm lo các y, bác sĩ, cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa; rừng phòng hộ Cần Giờ; các nghiệp đoàn, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập và dịch vụ thương mại bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19”, ông Kiều Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh tác động của dịch bệnh khiến nhiều công nhân lao động bị mất việc, giãn giờ làm, giảm thu nhập, nhiều gia đình công nhân lao động quê ở miền Trung còn bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra. Từ thực tế đó, các cấp Công đoàn thành phố cũng đã mở rộng thêm đối tượng và chăm lo Tết thiết thực cho đoàn viên, người lao động đang sinh sống trong các khu lưu trú, khu nhà trọ có quê ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.

Điển hình tại Công đoàn Khu chế xuất-Khu công nghiệp thành phố, tính đến thời điểm này, đơn vị đã chuẩn bị 13.000 phần quà Tết (gồm quà và tiền mặt trị giá 500.000 đồng/phần) cho công nhân lao động thuộc diện trên, đồng thời phối hợp cùng các Liên đoàn Lao động quận, huyện tổ chức chăm lo đoàn viên, người lao động ở các khu lưu trú, tổ công nhân tự quản; tổ chức chương trình lãnh đạo vui Tết cùng công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết; tổ chức các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, hội thi vui Tết cùng công nhân… trong khuôn khổ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong thời điểm này, Công đoàn Khu còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên; phấn đấu vận động, trao tặng 5.000 vé tàu xe từ tỉnh Phú Yên đến Hà Nội trong chương trình “Tấm vé nghĩa tình. Đặc biệt là thăm và tặng quà doanh nghiệp nỗ lực vượt qua dịch bệnh, thực hiện tốt các chính sách về lao động; tổ chức họp mặt, giao lưu, tặng quà các Chủ tịch Công đoàn cơ sở có những đóng góp tích cực trong hoạt động Công đoàn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.”

Ngoài ra, Công đoàn Khu còn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo người lao động; hướng các công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách, công khai kịp thời tiền lương, thưởng và thời gian nghỉ Tết nhằm động viên công nhân lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp…

Tại quận Bình Tân, Tết năm nay các cấp công đoàn cơ sở dự kiến chăm lo 140.000 lao động với khoảng 49 tỷ đồng, tăng khoảng 500 suất với gần 1,2 tỷ đồng so với năm 2020. Liên đoàn Lao động quận dự kiến tặng 7.000 phần quà với kinh phí 3,6 tỷ đồng, tăng 534 phần quà với 665 triệu đồng so với năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận nhìn nhận, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các cấp công đoàn cùng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động bằng hoặc cao hơn năm trước. Đây không chỉ là động viên, mà còn là sự chia sẻ của doanh nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cùng tổ chức Công đoàn giúp người lao động và gia đình đều có Tết đầm ấm hơn trong dịp năm mới Tân Sửu 2021.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, chương trình chăm lo Tết năm nay được tổ chức đồng loại ở 3 cấp công đoàn với nhiều nội dung hoạt động mới. Dù mức chăm lo, phần quà Tết không tăng nhiều so với năm trước, nhưng các cấp Công đoàn thành phố sẽ nỗ lực vận động chăm lo Tết cho người lao động tốt nhất, đồng thời chủ động mở rộng thêm nhiều đối tượng được chăm lo Tết.

Bài cuối: Mang Tết đến mọi người, mọi nhà

Thanh Vũ (TTXVN)
Không in tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Tân Sửu
Không in tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết Tân Sửu

Tại buổi họp báo về họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra ngày 24/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN