Đê sông Đáy bị 'xẻ thịt' nghiêm trọng

Tỉnh Nam Định đã và đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chủ yếu từ nguồn ngân sách trung ương để kiên cố hóa hệ thống đê biển, đê sông, thế nhưng gần 2 km đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Yên Đồng (huyện ý Yên) đang bị đe dọa nghiêm trọng khi vùng bảo vệ bối đê thậm chí cả chân đê bị một số cá nhân "xẻ thịt" lấy đất làm gạch trong nhiều năm. Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn không thể xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

 

Sông Đáy đang bị xẻ thịt.


Khu đất bãi Làn sông Đáy thuộc địa bàn xã Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là đất công do UBND xã Yên Đồng quản lý. Trước kia, đây là khu bãi gần như bằng phẳng được người dân thuê để cấy lúa, trồng hoa màu. Nhưng cho thuê như vậy nguồn thu ngân sách của xã không cao, do đó ngày 25/8/2006, xã cho ông Trần Đình Thập (trú xã Yên Phúc, huyện Ý Yên) thuê gần 10 ha thông qua đấu thầu, với nội dung hợp đồng là bên B (tức ông Thập) khai thác đất sản xuất vật liệu xây dựng và kinh doanh bến bãi ở vị trí đất cao; trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở những vị trí trũng.

 


Cũng theo hợp đồng, bên B không được phép chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, thế chấp; bên B chỉ được phép đào sâu không quá 1 m ở những vị trí cao (sau đó phải hoàn thổ) và đào cách chân đê từ 25m. Thời hạn hợp đồng hết tháng 8/2011. Tuy nhiên, việc sử dụng đất không những không tuân theo hợp đồng, mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và Luật Đê điều. Cụ thể, năm 2007 ông Thập làm đơn và được Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định cấp phép khai thác đất sét. Từ đó, ông Thập khai thác cùng 3 cá nhân khác.


Năm 2010, do sản xuất gạch không hiệu quả, ông Thập chuyển nhượng cho các ông Phùng Đình Gan, Phùng Minh Tuấn, Đoàn Văn Khoan, Vũ Đức Tình (đều quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Trong quá trình sử dụng, ông Phùng Đình Gan tiếp tục chuyển nhượng một phần cho các ông Phùng Văn Thuấn, Phùng Văn Ngậy, Nguyễn Văn Chỉnh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Từ đây, các cá nhân này khai thác đất kiểu "tận thu" để sản xuất và đốt gạch tại chỗ.

 

Ông Hà Tất Tiến (58 tuổi, trưởng thôn 34, xã Yên Đồng) chua xót cho hay bờ Đáy Nam Định là bên bồi, còn bờ bên Ninh Bình là bên lở. Trước kia, khu này khá bằng phẳng, người dân chúng tôi trồng lúa và hoa màu. Nhưng giờ người ta đào tung lên lấy đất làm gạch, khoét cả vào thân đê. 


Vào những năm 1971 và 1985 người dân Ý Yên đã phải hứng chịu hai đợt vỡ đê nghiêm trọng. Ông Tiến nói thêm: "Nhiều thửa ruộng rất rộng phía nội đồng giờ bị bỏ hoang do khói, bụi của các lò gạch". Khu bãi Làn hiện có tới chục lò gạch đang hoạt động. Bãi bị đào nham nhở, nhiều chỗ sâu tới 5 - 6m, ngay sát chân đê cũng bị đào lấy đất.


Trước tình trạng khai thác, sử dụng đất bãi của các cá nhân nói trên, cũng như ý kiến phản ánh của người dân, tháng 4/2011 UBND xã Yên Đồng đã kiểm tra và đình chỉ các hộ sản xuất gạch, nhưng quyết định của chính quyền xã Yên Đồng không được các hộ thi hành. Đến 15/2/2012, UBND xã Yên Đồng ra tới 6 quyết định đình chỉ gửi tới các chủ lò gạch, song các lò vẫn ngang nhiên hoạt động. UBND huyện Ý Yên đã lập đoàn thanh tra và tháng 5/2012 ra kết luận thanh tra có nội dung: Việc sử dụng đất của các hộ nhận chuyển nhượng là không hợp pháp, vi phạm Luật Đất đai và Luật Đề điều; Phần khai thác trong phạm vi bảo vệ bối đê vi phạm Khoản 10 Điều 7 Luật Đê điều; Các vị trí khai thác ngoài hành lang bảo vệ bối không có giấy phép của UBND tỉnh; Khai thác quá độ sâu cho phép.

 

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ: Tổng diện tích đất vi phạm của các hộ là hơn 14.500 m2, trong đó vi phạm hành lang bảo vệ đê bối 2.300 m2. UBND huyện Ý Yên yêu cầu UBND xã Yên Đồng kiên quyết đình chỉ việc khai thác đất, sản xuất gạch tại bãi Làn, đồng thời yêu cầu các hộ khắc phục hậu quả vi phạm. Ngày 7/5/2012, UBND huyện ra Quyết định số 1675/QĐ-UBND về việc xử lý vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều tại khu bãi Làn sông Đáy. UBND xã Yên Đồng sau đó nhiều lần yêu cầu dừng hoạt động. Song, tới nay các chủ lò vẫn ngang nhiên đào đất, đe dọa sự an toàn của tuyến đê.


Điều đặc biệt khiến dư luận búc xúc là vào tháng 8/2011, UBND xã Yên Đồng ra thông báo hết thời hạn hợp đồng thì các chủ lò trình một bản hợp đồng khác có thời hạn tới hết năm 2013. Như vậy, việc cho thuê khu bãi Làn có tới 2 bản hợp đồng được lập cùng ngày và đều do ông Nguyễn Văn Quang (chủ tịch xã lúc bấy giờ, hiện là chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy Ý Yên) ký. Hơn nữa, hợp đồng không cho phép chuyển nhượng nhưng đơn chuyển nhượng lại có chữ ký của ông Bùi Quang Nhàn, phó chủ tịch UBND xã.


Làm việc với phóng viên, ông Đào Tiến Định, chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Xã đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu không đào đất, sản xuất gạch. Huyện đã ra quyết định xử lý vi phạm, tỉnh cũng có công văn chỉ đạo xử lý. Nhưng cái khó của chính quyền nằm ở chỗ không gặp được chủ lò vì họ ở tận Phú Xuyên. Còn giải thích câu hỏi tại sao hợp đồng có hai bản ký cùng ngày nhưng thời hạn khác nhau, ông Định cho biết lúc đó ông là bí thư, việc ký là do ông Nguyễn Văn Quang làm. Còn ông Phạm Mạnh Tiếp, chủ tịch UBND huyện Ý Yên, cho hay đang đôn đốc xã yêu cầu các chủ lò dừng sản xuất gạch; về hợp đồng có hai bản là do "sơ suất" của chủ tịch xã.



Bài, ảnh: Nguyễn Trường

Huyền thoại con đê
Huyền thoại con đê

Dễ chừng đã gần 10 năm,... Yên Trang, cô bạn gái thi sĩ ở trường Đại học Tây Nguyên mới đột ngột về thăm tôi ở vùng biển Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đứng trên bãi biển, nhìn con đê bằng bê tông sừng sững chạy dài tít tắp bên bờ sóng, cô thi sĩ cao nguyên không khỏi sững sờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN